Còn sức khỏe, còn tham gia trực chốtNhững ngày Hà Nội ngột ngạt trong cái nóng hầm hập và nỗi lo dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ viên Tổ tự quản phường Ngã Tư Sở Nguyễn Minh Sơn, 42 Thổ Quan, quận Đống Đa lăn xả cùng “đồng đội” tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Mỗi ngày từ 8 - 11 tiếng đồng hồ, mọi công việc như phân luồng giao thông, hỗ trợ lực lượng chức năng dừng xe, kiểm soát giấy tờ đi lại của người dân đều được người đàn ông 62 tuổi thực hiện một cách thuần thục.Vừa lích kích kê lại tấm rào sắt mới mở cho người dân đi qua, ông Nguyễn Minh Sơn cho biết, từ ngày 24/7, khi TP quyết định lập các chốt kiểm soát dịch ở đường ngang, ngõ tắt và từng khu phố, ông cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ các lực lượng làm việc tại chốt trên đường Láng, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Cùng tổ, còn có ông Nguyễn Anh Tuấn, 61 tuổi cũng làm công việc tương tự.
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, ban đầu khi biết tin ông tham gia chốt trực, con cái còn can ngăn vì lo lắng cho sức khỏe của bố. Giữa dịch bệnh phức tạp hoành hành, lại phải tiếp xúc với cả trăm người mỗi ngày, không ai muốn người thân của mình phải đương đầu với nguy cơ lây nhiễm cao như vậy. Nhưng cả ông Nguyễn Minh Sơn và ông Nguyễn Anh Tuấn đều khẳng định, nếu TP cần, các ông vẫn sẽ bám chốt, giữ “vùng xanh” không chút nề hà.Ông Lê Mạnh Tiến, 66 tuổi, tổ bảo vệ dân phố Khương Thượng, làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 trên đường Tôn Thất Tùng nói: “Đây là một công việc bình thường, phục vụ cho lợi ích chung của TP. Đâu riêng gì chúng tôi, các cán bộ y tế, chiến sĩ Công an cũng căng mình túc trực 24/24 giờ để cùng Thủ đô vượt qua đại dịch”.Bảo vệ "vùng xanh" Để phòng ngừa sự lây lan khủng khiếp của dịch bệnh, các biện pháp cách ly, hạn chế người dân ra đường đều được Hà Nội đặt ở mức độ cao nhất. Hàng loạt chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 được dựng lên ở các ngõ, phố với cả trăm nhân sự làm việc không ngơi nghỉ.Người dân khi đi qua các chốt kiểm soát này phải xuất trình Giấy đi đường, căn cước công dân/chứng minh Nhân dân, lịch công tác, lịch trực để thể hiện mục đích ra đường, khi TP đang trong những ngày giãn cách. Theo ghi nhận của Kinh tế & Đô thị, phần lớn người dân đều tuân thủ chấp hành, phối hợp với lực lượng chức năng, giúp tình hình giao thông ở các chốt thông suốt.Dù vậy, vẫn còn một số trường hợp người dân tỏ ra khó chịu khi bị kiểm tra, có lời nói, hành động gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát của các thành viên chốt. Anh Trần Văn Phi, thường hỗ trợ nước mát cho chốt kiểm soát dịch đường Tôn Thấy Tùng cho biết, không ít tình huống, những người cố tình không chấp hành chỉ đáng tuổi con, tuổi cháu nếu so về tuổi tác với các tổ viên đã ngoài 60. Dù rất đáng lên án, gây bức xúc nhưng các “lão tướng” đều có cách xử lý từ tốn, nhẹ nhàng để người dân hiểu hơn và thông cảm với nhiệm vụ của những người làm việc tại chốt trực.Để mục tiêu chung của TP sớm hoàn thành, ông Lê Mạnh Tiến cho rằng, cần ý thức xây dựng chung của từng người. Người dân phải tự chủ động tuân thủ, chỉ ra đường khi thực sự cần thiết, giúp công việc của lực lượng tại các chốt kiểm soát đỡ đi phần nào vất vả. Và tác dụng lớn hơn nữa chính là cắt đứt nguồn lây lan của dịch, nhân lên những “vùng xanh” an toàn cho Thủ đô.