Cử tri kiến nghị xử lý nghiêm các vi phạm
Trình bày Báo cáo công tác dân nguyện, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, ngoài các nội dung kiến nghị, phản ánh chung về kinh tế - xã hội, cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm và kiến nghị đề nghị xử lý nghiêm minh sai phạm của một số cán bộ, công chức. Cử tri và Nhân dân cũng nêu nhiều vấn đề như: Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao sau những ngày nghỉ Tết Nguyên Đán; chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp tại trường; việc mua vaccine phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tình trạng khan hiếm xăng trong thời gian gần đây do một số cây xăng đóng cửa, không bán hàng, giá xăng tăng cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của người dân…
Đồng thời, qua theo dõi tình hình khiếu nại, tố cáo, trong phạm vi cả nước có nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự; khiếu kiện liên quan đến đất đai, cưỡng chế thu hồi đất; liên quan đến ô nhiễm môi trường; công nhân, người lao động tại một số khu công nghiệp tổ chức đình công, nghỉ việc phản đối, đòi quyền lợi.
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, trong tháng 1/2022, Ban Dân nguyện đã nhận thêm 212 văn bản trả lời kiến nghị cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV. Tính đến nay, mặc dù chưa đến thời hạn giải quyết, trả lời nhưng đã có 1.531/1.707 kiến nghị của cử tri gửi đến trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã được các bộ ngành xem xét, giải quyết, trả lời.
Về kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội, trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội đã nhận được 1.519 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân (giảm 6,86%) so với tháng trước. Đối với kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các Đoàn đại biểu Quốc hội, trong kỳ báo cáo, các Đoàn đã tiếp nhận tổng số 510 đơn thư, qua phân loại có 275 đơn đủ điều kiện xử lý, 32 đơn trùng lặp, 203 đơn không đủ điều kiện xử lý (đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung).
Cụ thể hóa trách nhiệm trong giải quyết vấn đề bức xúc
Lưu ý về một số vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm thời gian gần đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến lĩnh vực mua bán quyền sử dụng đất, thực tiễn không chỉ là vấn đề bỏ cọc đấu thầu, mà còn nảy sinh nhiều vấn đề khi các nhà đầu tư tư nhân chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo Chủ tịch Quốc hội, dạng vấn đề thứ nhất là thời điểm chuyển nhượng thì giá còn thấp, nhưng ký hợp đồng xong thì giá tăng nên bên bán không muốn bán, muốn hủy hợp đồng. Đôi khi hợp đồng soạn thảo không chặt chẽ nên việc phân xử khó khăn. Dạng vấn đề thứ hai là có hợp đồng mua, hợp đồng bán nhưng chỉ là dòng tiền giả để tạo ra lợi nhuận, từ đó cải thiện hình ảnh của mình trên thị trường chứng khoán. Dạng vấn đề thứ ba là hợp đồng hứa mua và hứa bán, tức là hợp đồng tương lai. Trên thế giới quy định về hợp đồng tương lai rất kỹ, rất chặt chẽ, nhưng ở Việt Nam chưa phổ biến. Trong quá trình thực hiện mới nảy sinh bất ổn. Các bên lập hợp đồng dạng này cũng không chặt chẽ nên khi giá tăng thì người bán cũng không bán nữa. “Do vậy cần rà soát để bảo vệ quyền lợi của các bên theo quy định của pháp luật. Khi các cơ quan chức năng xử lý cần hết sức thận trọng, rất khách quan để bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên”- Chủ tịch Quốc hội nêu.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan của Quốc hội chú ý giám sát vấn đề này để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, sự công bằng của các bên liên quan.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý tới một số vấn đề xảy ra trong thực tiễn và xã hội đang quan tâm, như tục “bắt vợ”; sản xuất, cung ứng, tiêu thụ xăng dầu, quản lý giá… Đồng thời nhấn mạnh, Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội phải chủ động có trách nhiệm trong các lĩnh vực phụ trách. Đây vừa là công tác dân nguyện, nhưng cũng liên quan tới công tác giám sát.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác dân nguyện hơn để đáp ứng yêu cầu của cử tri hơn nữa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng kiến nghị Ban Dân nguyện phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an cùng cơ quan liên quan lập danh mục hồ sơ đề xuất những vụ việc phức tạp kéo dài để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc giải quyết dứt điểm.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh vấn đề này, theo đó cần rà soát các vụ việc để tránh trùng lắp, lập danh mục hồ sơ vụ việc thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo dõi đôn đốc xử lý và hàng tháng đánh giá cụ thể. Đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vụ việc, cụ thể là, vụ việc nào được giải quyết mà người dân không kiện, không còn ý kiến tiếp; vụ việc nào giải quyết rồi mà vẫn tiếp tục ý kiến thì chỉ rõ nguyên nhân từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai để nâng cao hiệu quả xử lý và cá thể hóa được trách nhiệm....
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đề nghị cần làm rõ nhiều vấn đề từ vụ việc bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm. Việc đưa vụ kít xét nghiệm của Công ty Việt Á vào diện Ban Chỉ đao T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi nhận được sự đồng tình rất cao của dư luận; đồng thời nhiều ý kiến mong muốn làm rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân hay chất lượng sản phẩm, quy trình đấu thầu... Bên cạnh đó là vấn đề thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần có thêm các biện pháp khác hiệu quả hơn.