Lấp khoảng trống để xử lý nợ xấu

Khắc Kiên (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những khoảng trống từ các khó khăn vướng mắc do các quy định pháp luật không phù hợp, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, cũng như cách hiểu, áp dụng pháp luật chưa đúng của tổ chức, cá nhân liên quan đã khiến việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thời gian qua còn nhiều bất cập.

 
Đây là nhận định của Luật sư Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng khi trao đổi với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.
Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương, trong những năm qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp để xử lý nợ xấu, thu hồi nợ vay, khơi thông nguồn vốn tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của DN, nền kinh tế nhằm thực hiện mục tiêu xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tế quá trình thực hiện vẫn đang có những bất cập cần phải lấp khoảng trống bằng cách hoàn thiện thể chế và các văn bản pháp luật.
Điểm nghẽn trong văn bản
 Theo Luật sư, Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ 1/1/2017 đã xử lý được vấn đề TSBĐ chưa?
- Bộ Luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 về cơ bản đã giải quyết được những khó khăn vướng mắc của các TCTD. Thông qua cách phát triển hóa toàn bộ những quy định chung về xử lý TSBĐ của Nghị định 163/NĐ - CP quy định tại Chương 4 nên những phần chung về giao dịch bảo đảm và các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ. Tuy nhiên, với 10 điều khoản quy định tại phần chung về các biện pháp bảo đảm có liên quan trực tiếp đến xử lý TSBĐ thì còn một số điều khoản dự kiến chắc chắn sẽ gây vướng mắc tới quá trình thực thi của các TCTD.
Theo tôi, có 2 điểm vướng mắc chính. Thứ nhất, liên quan đến hiệu lực đối kháng với người thứ 3 thì cần phải xác định rõ người thứ 3 là gồm những ai. Nếu chỉ hiểu đơn giản là giữa các TCTD với nhau, tức là các bên nhận bảo đảm sẽ tiếp tục gây ra các vướng mắc trong quá trình xử lý TSBĐ. Theo thông lệ quốc tế, bên thứ 3 đó phải được hiểu theo một nghĩa rất rộng, bao gồm các cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan thi hành án, tòa án, viện kiểm sát và các cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế các quyết định xử lý vi phạm hành chính, kể cả cơ quan liên quan đến bảo hiểm xã hội.
Thứ hai, liên quan đến vấn đề quyền thu giữ TSBĐ cho TCTD trước khi được xử lý tài sản. Trong Bộ luật Dân sự hoàn toàn không đề cập đến quyền này như cách tiếp cận của Nghị định 163 hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự 2005. Mà thay vào đó Điều 301 Bộ luật Dân sự quy định về vấn đề giao TSBĐ được xử lý với 2 cơ chế xử lý chính. Cơ chế thứ nhất là theo thỏa thuận. Trường hợp không thể xử lý theo thỏa thuận sẽ yêu cầu tòa án giải quyết. Tuy nhiên, Điều 301 bỏ ngỏ rằng việc giải quyết của tòa là giải quyết như thế nào. Giải quyết việc thu giữ tài sản cho các TCTD. Hay là tiếp tục xử lý theo các một quá trình thủ tục tố tụng thông thường. Đó là xử lý các tranh chấp của hợp đồng tín dụng. Từ đó các TCTD thắng kiện trong các hợp đồng tín dụng sẽ được quyền xử lý TSBĐ. Và việc xử lý đó sẽ được bảo đảm thực thi thông qua cưỡng chế thi hành án.
Để thực hiện Bộ luật Dân sự cho giao dịch TSBĐ, tới đây sẽ có các hướng dẫn. Vậy hướng dẫn này sẽ có điểm khác biệt như thế nào, thưa Luật sư?
- Dự kiến Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định. Một nghị định hướng dẫn các biện pháp bảo đảm thi hành Bộ luật Dân sự về giao dịch bảo đảm. Một nghị định về giao dịch bảo đảm tức là thay thế tương ứng Nghị định 163 và Nghị định 183. Trong đó, tôi đặc biệt quan tâm đến Nghị định thay thế Nghị định 163. Bởi vì những điểm vướng mắc như tôi vừa đề cập ở trên thì nghị định mới sẽ phải giải quyết. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng để nghị định đi vào thực tiễn cuộc sống cần phải quán triệt 2 vấn đề mấu chốt, thứ nhất, đó là về quan điểm tiếp cận của ban soạn thảo, phải xử lý tối đa quyền xử lý TSBĐ của TCTD theo cơ chế đó là một loại vật quyền, quyền đó phải là quyền trực tiếp, tuyệt đối và ngay lập tức khi mà TCTD có căn cứ xử lý.
 Cần có những quy định, chế tài cụ thể để xử lý các khoản nợ xấu. Ảnh: Công Hùng
Hai là, bên cạnh nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên thì cần có nguyên tắc nhanh chóng, thuận tiện, thủ tục đơn giản tiết kiệm chi phí. Với 2 nguyên tắc chính này được quán triệt đầy đủ và toàn diện thì tất cả quy định mang tính cụ thể khác sẽ được giải quyết theo.
Chưa được hưởng lợi
Việc xử lý TSBĐ thành công sẽ có tác dụng gì đối với nền kinh tế?
- Tuy có đặc thù riêng nhưng ngân hàng, các TCTD cũng hoạt động như một DN. Do đó, việc các TCTD xử lý thành công TSBĐ để giải quyết nợ xấu sẽ giúp xử lý ngay và dứt điểm hàng loạt khoản nợ xấu, khơi thông thị trường tín dụng ngân hàng. Đồng thời còn hoạt hóa được khối tài sản khổng lồ trị giá hàng trăm ngàn tỷ đồng đang nằm bất động trong các tranh chấp giữa người cho vay với người đi vay trong và ngoài các vụ kiện tụng phức tạp kéo dài, tăng thêm nguồn cung cho thị trường bất động sản, thị trường tài chính và cả thị trường hàng hóa từ việc xử lý TSBĐ, qua đó mang lại lợi ích không nhỏ cho nền kinh tế. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được xử lý thông qua xử lý TSBĐ càng cao thì càng giảm nhu cầu đối với các nguồn lực tài chính khác dành để xử lý nợ xấu, kể cả nguồn lực tài chính của Nhà nước cũng như của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo Luật sư cần những yếu tố như thế nào để các TCTD xử lý TSBĐ được thuận lợi?
- Nếu chỉ đứng dưới góc độ về việc triển khai thực thi Bộ luật tố tụng Dân sự thì chưa giải quyết được hết các vấn đề. Mà nó phải bảo đảm một cơ chế mang tính tổng thể từ pháp luật đến các chế định về hợp đồng, chế độ tài sản, chế độ về chủ thế, chế độ về giao dịch bảo đảm trong đó quyền xử lý tài sản các tổ chức tín dụng… Bên cạnh đó, còn một vấn đề về việc áp dụng Bộ Luật tố tụng Dân sự đặc biệt câu chuyện về cải cách thủ tục hành chính. Liệu thủ tục rút gọn theo quy trình của bộ luật tố tụng dân sự có được triển khai một cách nghiêm túc và thực sự đi vào cuộc sống hay không. Đến thời điểm này, Bộ Luật tố tụng Dân sự đã có hiệu lực được 6 tháng nhưng Tòa án Nhân dân Tối cao chưa có hướng dẫn cụ thể nên các quy định mới chưa tới được các TCTD.
Xin cảm ơn Luật sư!
Nếu quyền xử lý TSBĐ của TCTD được thực thi có hiệu lực và hiệu quả sẽ không chỉ bảo vệ lợi ích của người cho vay mà còn bảo vệ cả lợi ích của người đi vay, cao hơn nữa là bảo vệ lợi ích của cả nền kinh tế.
 Chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh 

Từ cuối năm 2012 đến nay, các tổ chức tín dụng đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro... Tuy nhiên, kết quả mới nhất cho thấy, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chỉ xử lý được 548.500 tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các tổ chức tín dụng tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ, bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác (chiếm 42,8%). Tổng số nợ mà VAMC đã gom về từ các ngân hàng lên tới trên 250.000 tỷ đồng, nhưng mới xử lý được khoảng 15%.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần