Lấp "khoảng trống" kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam TS. Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Với 24.654 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ hoạt động, nhưng cơ quan quản lý mới kiểm soát được 18,6% trong số này. Do đó, việc xây dựng cơ chế quản lý phù hợp để lấp “khoảng trống” kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ là việc hết sức quan trọng.

Nhiều vi phạm về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm

Việt Nam hiện có đàn gia súc, gia cầm lớn, với 2,5 triệu con trâu, 6,53 triệu con bò, 558 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm đang còn nhiều khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ.

Theo thống kê, hiện nay, cả nước chỉ có 463 cơ sở giết mổ động vật tập trung, trong khi đó có tới 24.654 cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ. Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ đều không đáp ứng đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình giết mổ, bảo quản thực phẩm. Việc kiểm soát tại cơ ở giết mổ nhỏ lẻ này mới đạt khoảng 18,6 %, dẫn đến nguy cơ cao về dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được đầu tư hiện đại nhưng phải hoạt động cầm chừng.
Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được đầu tư hiện đại nhưng phải hoạt động cầm chừng.

Thực tế, việc quy hoạch và quản lý trong hoạt động giết mổ hiện còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc quản lý. Hệ thống pháp luật về giết mổ còn nhiều lỗ hổng, chưa theo kịp với thực tế, việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe.

Trong khi, lực lượng kiểm soát chuyên môn, hệ thống thú y đang không đủ nhân lực, nhiều nơi cấp huyện không còn thệ thống thú y, nên việc quản lý nguồn nhân lực để thực hiện việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y trên địa bàn là rất khó khăn. Lực lượng này cũng không đủ để kiểm soát hoạt động giết mổ nhỏ lẻ tại khu vực quản lý trên địa bàn, dẫn đến nhiều vi phạm về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Điều đáng lo ngại hơn cả là thói quen tiêu dùng dễ dãi của người dân đã vô tình tiếp tay cho những sản phẩm từ động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm được thuận lợi lưu thông trên thị trường. Người dân vẫn chuộng mua thịt tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vì giá rẻ, tiện lợi, chưa quan tâm đầy đủ đến chất lượng và an toàn thực phẩm.

Hệ lụy của sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm soát sau giết mổ rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, mà còn có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, gây thiệt hại về kinh tế… Đặc biệt là mất uy tín ngành chăn nuôi, ảnh hưởng thị trường xuất khẩu.

Hiện, đã có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở giết mổ tập trung, tuy nhiên, một số nơi có chính sách nhưng thủ tục rườm rà, không thu hút được DN đầu tư cho hoạt động giết mổ tập trung, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay…

Phân công rõ người, rõ trách nhiệm

Để lấp khoảng trống kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đưa hoạt động này vào nề nếp, chuyên nghiệp, trước hết cần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo đó, các tỉnh, TP cần thực hiện tốt Chiến lược phát trển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ (Quyết định 1520 ngày 6/10/2020) trong đó có đề án “Phát triển công nghiệp giết mổ chế biến và  thị trường sản phẩm chăn nuôi đến năm 2030”. Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giết mổ, tập trung vào các cơ sở giết mổ tập  trung, hiện đại. Có thể thí điểm cho hoạt động giết mổ gia cầm tại các trung tâm chợ lớn, khu đô thịnhưng đảm bảo có kiểm soát.

Sản phẩm động vật được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sản phẩm động vật được kiểm soát trước khi đưa ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tiếp đến, cần có chính sách đặc thù ưu đãi hỗ trợ các cơ sở giết mổ tập trung.  Thực tế, để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung là rất tốn kém, nhất là hệ thống xử lý môi trường và trang thiết bị, công nghệ tiến tiến đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, bất cập về chính sách đất đai, thuế, xây dựng vùng nguyên liệu nên rất cần có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp dầu tư cho hoạt động này. Đặc biệt các doanh nghiệp hiện nay đang có xu thế xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi gắn với giết mổ, sơ chế, chế biến để nâng cao hiệu quả đầu tư vì vậy cần có chính sách ưu đãi để thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp.

Về quản lý, cần phân cấp rõ trách nhiệm quản lý hoạt động giết mổ cho các cấp chính quyền địa phương. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có chuyên môn, nghiệp vụ về giết mổ động vật, an toàn thực phẩm, nhất là ở cấp huyện, cấp xã khi có sự biến động về tổ chức đối với hệ thống thú y cơ sở.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý hoạt động giết mổ, truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật. Cập nhật chia sẻ thông tin về vận chuyển, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động vật (giống, động vật làm thương phẩm, sản phẩm động vật ..) giữa các tỉnh, thành trong cả nước để nâng cao hiệu quả kiểm soát động vật, sản phẩm động vật.

Song song, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, đặc biệt là đối với các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Áp dụng các biện pháp xử phạt nghiêm đối với các hành vi vi phạm. Gắn trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương không để tình trạng giết mổ nhỏ lẻ, nhất là tại các thôn xóm, xã phường, thị trấn. Nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người chăn nuôi trong hoạt động giết mổ, chế biến thông qua hoạt động truyền thông, tập huấn cho người dân.