Lấp lỗ hổng chuyển giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 500 tỷ đồng phải điều chỉnh, việc Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro) thông báo lỗ nhưng lại “lãi” bằng hành vi chuyển giá đã được Tổng cục Thuế công bố. Dù quyết định truy thu 507 tỷ đồng của Metro, nhưng bao giờ sẽ thu được?

Làm thế nào để ngành thuế tiếp tục phát hiện những vụ việc tương tự là những câu hỏi dư luận đang đặt ra. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với một số chuyên gia trước vấn đề nhức nhối này.
Luật sư Vũ Xuân Tiền - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia Hà Nội:
Truy thu thì rất khó

Theo công bố của Tổng cục Thuế, lỗi của Metro là đã kê khai thiếu các khoản thu về hỗ trợ, tiếp thị, quảng cáo; thậm chí, hạch toán vào chi phí một số khoản chi không đúng quy định. Tổng số tiền 507 tỷ đồng bao gồm điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đã xác định rõ có trốn thuế hay không thì phải đưa vào khung phạt hành vi gian lận, trốn thuế. Tôi nói vậy bởi, tiền phạt thì có thể thu được (cơ quan thuế sẽ ra thông báo nếu không nộp sẽ phong tỏa tài khoản), nhưng truy thu thì rất khó, bởi Metro là công ty đa quốc gia, hoạt động khắp thế giới nên việc nhượng quyền thương mại, phân bổ chi phí trong các giao dịch liên kết giữa các thành viên là điều dễ hiểu. Việt Nam đã ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với 149 nước rồi, nên chắc chắn, các cơ quan thuế sẽ phải cùng tính toán để cho ra tỷ lệ thu thuế là bao nhiêu. Chưa kể có giảm lỗ thì ngân sách cũng chưa chắc đã thu được như tôi phân tích ở trên.
Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam:
Cần nguồn nhân lực có trình độ cao

Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi chuyển giá, trốn thuế, cơ quan quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN. Nếu có nghi vấn, phải lập tức kiểm tra, để tránh tình trạng DN lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Muốn làm được điều này thì nguồn nhân lực có trình độ cao, có trách nhiệm với công việc được coi là một trong những yếu tố quyết định. Bên cạnh đó, nên kéo dài thời gian thanh tra bởi theo thông lệ quốc tế, để hoàn thành một vụ việc thanh tra, điều tra về chuyển giá thường kéo dài từ 18 - 24 tháng. Nhưng Luật Thanh tra của Việt Nam chỉ cho phép từ 30 - 45 ngày/vụ là quá ngắn, khó có thể phát hiện DN có chuyển giá hay không.
Về phương diện chính sách, áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về giá (APA) cũng là biện pháp để cả người nộp thuế và cơ quan thuế đi tới thống nhất về cách DN áp dụng chính sách giá được cơ quan thuế chấp thuận. Song, trên thực tế, việc áp dụng APA cũng không phải đơn giản để tìm được tiếng nói chung, nhất là việc cơ quan thuế và DN thỏa thuận về việc áp dụng giá giao dịch trong tương lai. Do đó, đòi hỏi thanh tra chuyển giá phải có những nghiệp vụ rất khác so với những loại thuế khác và phải hiểu được mối tương quan trong nghiệp vụ của nước ngoài với Việt Nam, nhiều trường hợp cũng phải trao đổi với các cơ quan nước ngoài để thu thập thông tin của DN đang nghi ngờ.
TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế:
Tăng cường thanh tra, hậu kiểm

Việc ngành thuế chủ động công bố kết quả thanh tra chuyển giá Metro là một bước tiến bộ, trả lời những câu hỏi mà giới chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đặt dấu hỏi. Đồng thời, việc truy thu thuế những DN chuyển giá là việc làm cần thiết nhằm chống thất thu ngân sách, đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng giữa các DN.
Tôi hy vọng thanh tra thuế nên mở rộng hợp tác quốc tế, bổ sung thêm các kỹ năng quản lý thuế, làm sao để môi trường ở Việt Nam có sự công bằng. Mặt khác, việc truy thu thuế này cũng đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, hiệu lực của quản lý Nhà nước. Trước mắt, với năng lực thanh tra có hạn, chưa thể triển khai ở diện rộng thì cơ quan thuế nên bắt đầu điều tra từ những DN có nguy cơ trốn thuế cao nhất. Cơ quan thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế để người nộp thuế hiểu rõ và giảm thiểu các sai phạm, cũng như tăng cường thanh tra, hậu kiểm, phát hiện các sai phạm, thực hiện điều chỉnh, truy thu và phạt thuế làm các DN “chùn tay” trong việc áp dụng các hình thức chuyển giá.
Honda Việt Nam là DN tiếp theo Metro Cash & Carry Việt Nam bị cơ quan thuế xử lý với số tiền 182 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, quyết định được đưa ra sau khi kiểm tra một số DN có dấu hiệu vi phạm về thuế. Tuy nhiên, hãng sản xuất ô tô Nhật Bản này vẫn chưa chịu chấp hành lệnh "truy thu" và cơ quan thuế đang tiến hành giải quyết khiếu nại lần 2 với Honda Việt Nam.