Ngày 23/4, tại hội thảo Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 do trường Đại học (ĐH) Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải tìm giải pháp lấp ngay thiếu hụt này. Tính toán sơ bộ của ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT, với 14.000 trường THCS và THPT, mỗi trường thành lập một tổ tư vấn tâm lý (5 người) thì 2 - 3 năm nữa sẽ có 70.000 giáo viên cần được bồi dưỡng tham vấn học đường. Theo cách tính của TS Trần Anh Tuấn và PGS.TS Đặng Hoàng Minh – trường ĐH Giáo dục, nếu mỗi trường phổ thông (30.000 trường tiểu học, THCS và THPT) và Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT chỉ cần một biên chế cử nhân tư vấn học đường thì phải có 30.000 người. Với tình hình phát triển giáo dục và quy mô đào tạo nhân lực tư vấn học đường 150 – 200 người/năm như hiện nay, ít nhất 100 năm nữa mới chỉ đáp ứng đủ 1/2 số trường học. Vì thế, rất cần có những giải pháp đột phá về đào tạo cho phát triển nguồn nhân lực tư vấn học đường.
|
Giờ học tiếng Anh của cô và trò trường THPT Mê Linh. Ảnh: Chiến Công |
Trước nhu cầu cao về giáo viên tư vấn tâm lý, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT “Hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông”. Trong khi các ban, ngành đang thực hiện tinh giản biên chế, Bộ GD&ĐT cho phép các trường trước mắt sử dụng giáo viên kiêm nhiệm tham vấn tâm lý. Trường nào có điều kiện thì thực hiện ký hợp đồng với các thạc sĩ, nhà khoa học, chuyên gia có chuyên ngành, chứng chỉ.
Trước việc thời gian qua xảy ra nhiều vụ giáo viên bạo hành học sinh, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, tới đây công tác tư vấn tâm lý, tham vấn học đường sẽ được mở rộng, không chỉ tham vấn cho học sinh mà những thầy cô bất ổn về tâm lý cũng sẽ được tham vấn.
Hiệu trưởng phải học tư vấn tâm lýỞ nước ngoài, những người làm công tác tham vấn tâm lý học đường phải có bằng thạc sĩ trở lên và bắt buộc phải có chứng chỉ nghề nghiệp mới được hành nghề. Nhưng, với Việt Nam trong bối cảnh đang thiếu nguồn nhân lực rất khó áp dụng tiêu chuẩn này, nhiều trường đang phải sử dụng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm. Vì thế, TS Trần Thành Nam – trường ĐH Giáo dục đề nghị, Bộ GD&ĐT huấn luyện những kỹ năng ban đầu cho giáo viên tại cơ sở - người gần gũi học sinh nhất để thực hiện hỗ trợ ban đầu cho các em.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm, thứ nhất, Bộ GD&ĐT tuyển chọn Hiệu trưởng là đối tượng đầu tiên tham gia chương trình bồi dưỡng tham vấn tâm lý học đường. Qua đó, họ sẽ nhận thức được công việc của mình, để đổi mới giáo dục và thực hiện tư vấn tâm lý trong trường học. Thứ hai, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm – người tác động đến học sinh nhiều nhất. Các trường sư phạm trang bị kiến thức tư vấn tâm lý học đường cho giáo viên. Về phía mỗi trường phổ thông, phát triển 1 - 2 cử nhân, thạc sỹ tâm lý học đường nhưng phải gắn với học sinh. Bởi tham vấn học đường là công việc rất phức tạp, yêu cầu người làm tư vấn phải hết sức linh hoạt, biết dạy kỹ năng sống, tham vấn hướng nghiệp… giúp học sinh thay đổi hành vi.
Một số ý kiến đề nghị Bộ GD&ĐT cần thành lập một Ban Chỉ đạo và sớm đưa ra một chiến lược đào tạo nhân lực tư vấn học đường cho từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên nghiên cứu mô hình “Văn phòng tư vấn học đường đa nhiệm theo cụm trường” thay thế cho mô hình giáo viên kiêm nhiệm. Về phía các trường sư phạm chủ động chuyển hướng tuyển sinh ngành truyền thống sang đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ lĩnh vực tư vấn học đường. PGS Đặng Hoàng Minh và TS Trần Anh Tuấn đánh giá đây là giải pháp hoàn toàn khả thi và có hiệu quả thực tiễn cao trong tình hình “khủng hoảng sư phạm” hiện nay.