Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lật lại hồ sơ vụ vứt xác phi tang trên sông Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những cuộc điều tra chưa được “bật mí” của các chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Hà Nội, có không ít câu chuyện cán bộ điều tra phải gian nan “vật lộn” với “hà bá” để giành giật lại thi thể của người bị nạn.

Việc tìm kiếm xác nạn nhân góp phần quan trọng cho công tác điều tra phá án và cũng khó khăn không kém gì việc truy tìm ra thủ phạm. Lật lại những trang hồ sơ của PC45 liên tiếp vài năm trở lại đây, năm nào “hà bá” cũng “nuốt” ít nhất một người trên dòng sông Hồng đầy bí ẩn.

Những cơn mơ ám ảnh kẻ thủ ác

Thượng tá Ngô Văn Đáp (nguyên là điều tra viên cao cấp của Đội Điều tra trọng án, PC45) vẫn còn nhớ rất rõ ngày mùng 4 Tết năm Tân Mão (tức ngày 6/2/2011). Khoảng gần 8 giờ sáng cùng ngày, khi anh vừa bắt đầu ca trực thì có một nam thanh niên bộ dạng lấm lét, miệng lắp bắp xin được đầu thú. Qua câu chuyện được kể khá lộn xộn, hắn thú nhận cách đó khoảng chục ngày đã giết một người rồi ném xác từ cầu Vĩnh Tuy xuống sông Hồng.

Và từ sau khi thực hiện hành vi thủ ác, hắn cảm thấy bất an, trong giấc ngủ luôn bị những cơn mơ ám ảnh. Mỗi khi chợp mắt, hình ảnh nạn nhân lại hiện về khiến hắn toát mồ hôi vì sợ. Suốt cả cái Tết năm đó, hắn không có cảm giác đón Xuân như mọi năm nữa. Không thể sống trong sự hoang mang, sợ hãi nên đến sáng mùng 4 Tết, hắn đã tìm đến PC45 để thú tội… 

Từ trước đến nay, các đối tượng phạm tội thường tìm mọi cách để lẩn trốn, hoặc tìm cách xóa dấu vết, tạo hiện trường giả, rất hiếm trường hợp tự giác đến cơ quan điều tra đầu thú... Trước tình huống này, với sự cẩn trọng của một điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, thượng tá Ngô Văn Đáp đã tiến hành lấy lời khai của đối tượng, và ngay lập tức, nhận thấy đây có thể là một vụ trọng án.

 
Đối tượng (áo trắng) chỉ nơi ném xác nạn nhân.
Đối tượng (áo trắng) chỉ nơi ném xác nạn nhân.
Theo lời khai của đối tượng, trước đó, hắn có nợ nạn nhân 500.000 đồng. Ngày 28/1/2011, trong lúc nói chuyện, giữa hai người đã xảy ra cãi vã, không kiểm soát được hành vi, hắn đã dùng một thanh sắt tấn công khiến nạn nhân bất tỉnh. Sau đó, hắn dùng một thanh gỗ sát hại nạn nhân. Ngay trong đêm cùng ngày, hắn cho xác nạn nhân vào bao tải và chở lên cầu Vĩnh Tuy thả xuống sông Hồng. Xong xuôi, hắn quay về lấy xe máy của chính nạn nhân đi lòng vòng đến sáng, sau đó đến cơ quan làm việc bình thường.

Bằng biện pháp nghiệp vụ xác minh lời khai, các điều tra viên đã xác định đối tượng tên là Trương M.Q (SN 1979, trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng). Tiến hành khám nghiệm tại căn nhà của Q. (ở phố Minh Khai, quận Hoàng Mai), cơ quan công an thu được một số mảnh cót ép có dính máu, sàn nhà cũng còn vết loang của máu, tuy đã được dội nước song vẫn còn dấu vết, một đoạn xà cầy được coi là hung khí…

Trong khi cơ quan công an đang tiến hành các biện pháp điều tra thì nhận được trình báo về việc anh Nguyễn Hữu T. (SN 1982, thường trú tại Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), làm cùng cơ quan với Q., từng có thời gian thuê trọ tại nhà Q. đã bị mất liên lạc từ ngày 28/1/2011 đến nay vẫn chưa có thông tin gì. Nhận thấy có nhiều sự trùng hợp giữa 2 vụ việc, các trinh sát đặt ra giả thiết Q. chính là hung thủ đã sát hại và phi tang xác nạn nhân. Bằng các biện pháp nghiệp vụ khéo léo, các điều tra viên đã nhanh chóng làm rõ vụ án giết người, cướp tài sản do Q. gây ra đối với đồng nghiệp của mình. Trước các bằng chứng mà trinh sát đã tìm ra và lời khai của chính hung thủ, các cán bộ điều tra đã kết luận vụ việc như sau: Ngày 28/1/2011, do cãi vã nảy sinh từ mâu thuẫn về việc cho vay tiền, Q. đã sát hại anh T. bằng một thanh xà cầy, sau khi thực hiện hành vi thủ ác, hắn đã mang thi thể anh T. ra cầu Vĩnh Tuy ném xuống sông Hồng phi tang... Từ đây, lực lượng công an lại bắt đầu một hành trình gian nan “vật lộn” với dòng sông Hồng để tìm lại thi thể của người bị nạn.

Gian nan truy tìm xác 

Qua điều tra, các chiến sĩ xác định lời khai của Q. phù hợp với hiện trường vụ án. Tuy vậy, để có thể kết luận chính xác hành vi phạm tội của hắn thì phải tìm được xác của nạn nhân. Cơ quan công an đã phối hợp với người nhà nạn nhân tổ chức tìm thi thể anh T. 

Một điều tra viên tiết lộ với chúng tôi, thông thường, nếu người dân chỉ đi trên cầu rồi nhìn xuống thì thoạt nhìn dòng sông Hồng mang lại cảm giác vô cùng bình yên và hiền hòa. Chỉ khi đặt chân xuống hai bên bờ sông thì mới cảm nhận được sự mênh mông, phức tạp của dòng sông. Hai bên bờ, rất nhiều lau lách, hàng trăm thùng, bao tải, xác súc vật, rác rưởi… trôi nổi khắp nơi. Có tham gia vào hành trình này mới thấy được sự vất vả, gian nan của các điều tra viên mà ít người biết đến khi phải bắt tay vào hành trình tìm lại thi thể những nạn nhân bị thả trôi nơi mênh mang sóng nước. Trên cả mặt sông rộng như vậy, không thể có đủ lực lượng để bủa đi tại tất cả các địa điểm. Vì vậy, công tác khoanh vùng vị trí được đặc biệt coi trọng. Qua điều tra, lấy lời khai của đối tượng Q., cuối cùng, các điều tra viên xác định khu vực được khoanh vùng là đoạn sông gần cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì.

Một thành viên của đội thuyền chài cho chúng tôi biết, theo kinh nghiệm vớt xác nhiều năm, nếu người bị rơi từ cầu Vĩnh Tuy hoặc thượng lưu sông Hồng thì việc tìm xác là cực kỳ khó. Bởi tại đây, dòng sông Hồng chia nhánh thành các phụ lưu nhỏ chằng chịt đi về địa phận các tỉnh khác, rất dễ khiến cho thi thể bị cuốn trôi ngày càng xa, thậm chí đi sang tỉnh khác. Đơn cử, chỉ đi được vài cây số thì dòng sông này đã chẻ nhánh thành sông Đuống. Xuôi thêm chừng 30km nữa, dòng sông lại tiếp tục chẻ nhánh, một nhánh chính đi về Hà Nam, nhánh kia qua Hưng Yên, Hải Dương và về Hải Phòng. Trên nhánh chính đi về Hà Nam thì được vài cây số nữa lại chẻ thành 2 nhánh đi Nam Định và Thái Bình. Nếu không tổ chức tìm kiếm nhanh mà để thi thể trôi xuống phía hạ lưu thì hy vọng tìm được là rất ít. Chính vì thế, nhóm tìm kiếm đã tổ chức lục lọi từng khóm cây, kiểm tra các loại bao bố, túi nilon trôi dạt trên sông, song nhiều ngày trôi qua mà vẫn chưa tìm thấy. Một đội thợ lặn được mời đến, dùng lưới chùm đi rà khắp khu vực xung quanh cầu Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Tuy nhiên, càng tìm lại càng rơi vào vô vọng. 

Rồi một tia hy vọng bất chợt lóe lên. Một điều tra viên thuộc Phòng PC45 phân tích, thời điểm này, nước sông Hồng đang cạn, dòng chảy yếu nên nhiều khả năng thi thể của nạn nhân sẽ chưa thể trôi xa. Bên cạnh đó, thi thể khi bị thả trôi sông chỉ chìm khi bị mổ bụng, hoặc do chân vịt của sà lan, tàu bè làm tổn thương vùng bụng (khả năng này là không cao). Ngoài ra, căn cứ vào việc khám nghiệm hiện trường cho thấy, hung thủ đã nhét nạn nhân vào bao tải, trói theo tư thế ngồi thì gia đình có thể căn cứ vào đó để rà soát những bao, túi có hình thẳng đứng. 

Từ suy luận này, hướng tìm kiếm như được chỉ đường đi nước bước. Quả nhiên, gần trưa ngày 9/2/2011, sau gần 2 tuần tìm kiếm, một đội thuyền chài đã phát hiện một bao tải đang trôi lập lờ trên đoạn sông giữa cầu Thanh Trì và Vĩnh Tuy. Ngay sau đó, chiếc bao được kéo vào. Qua công tác kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện thấy xác chết rất giống với mô tả của đối tượng. Tiến hành giám định tử thi, cơ quan công an kết luận đây đúng là thi thể của nạn nhân.

Sau thời gian điều tra, vụ án đã được làm rõ. Ngày 26/8/2011, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử bị cáo Trương M.Q tội “Giết người, cướp tài sản”. Cáo trạng của VKSND TP nhấn mạnh, với hành vi dã man, cơ quan công tố đề nghị mức án tử hình đối với Trương M.Q về 2 tội trên. Mặc dù Q. có tình tiết giảm nhẹ là đã đến cơ quan công an đầu thú, khai báo thành khẩn, đồng thời gia đình bị hại cũng có đề nghị giảm nhẹ tội cho Q., song bị cáo vẫn không thoát khỏi án tử.