Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lật tẩy mánh khóe bán hàng đa cấp lừa đảo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đẩy giá lên cao, thổi phồng công dụng của sản phẩm, hoặc cấp giấy phép kinh doanh ở địa phương này nhưng lại mở mạng lưới ở địa phương khác, không đăng ký với cơ quan chức năng… là mánh khóe của nhiều công ty bán hàng đa cấp.

Đánh vào tâm lý ham tiền, cộng với việc thiếu kiến thức, hiểu biết về lĩnh vực bán hàng đa cấp khiến hàng vạn người sập bẫy.

Đội giá gấp nhiều lần, doanh nghiệp bị rút giấy phép

Hiện nay, các sản phẩm đa cấp không có cơ quan thẩm định giá mà DN tự quyết định giá bán như các mặt hàng thông thường. Do chưa có cơ quan nào quản lý về giá, dẫn đến việc các công ty đa cấp lợi dụng, thổi phồng công dụng của sản phẩm, đội giá gấp nhiều lần. Qua thanh tra, Sở Công Thương Hà Nội phát hiện mức giá sản phẩm Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam (Trụ sở chính tại quận Hà Đông, Hà Nội) đội lên rất nhiều lần. Cụ thể, mức giá sản phẩm TruongGiang Liver Công ty nhập với giá 18.000 đồng, TruongGiang Calcium nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Calcium Kid nhập với giá 12.000 đồng, TruongGiang Queen nhập với giá 12.000 đồng, nhưng được bán cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Mức chênh lệch giữa giá nhập – xuất bán từ 50 - 82 lần.
Lễ ra mắt Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam hồi tháng 6/2015, bị rút giấy phép sau hơn một năm hoạt động.
Lễ ra mắt Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam hồi tháng 6/2015, bị rút giấy phép sau hơn một năm hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện hàng loạt DN đẩy giá bán sản phẩm lên cao hơn nhiều lần so với giá đầu vào. Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Sở Công Thương Hà Nội thừa nhận, đây là vấn đề cần được nghiên cứu, về lâu dài phải có cơ quan quản lý về giá các loại sản phẩm đa cấp.

Ngày 19/7 vừa qua, Công ty CP Đầu tư & Thương mại Trường Giang Việt Nam chính thức bị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) thu hồi giấy phép kinh doanh. Ngoài việc bị phanh phui đội giá bán sản phẩm quá cao, DN này cũng bị phát hiện hàng loạt vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Trước đó, Công ty này từng bị Cục Quản lý cạnh tranh và Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội xử phạt 3 lần với tổng số tiền lên tới 892 triệu đồng.

Đây là DN thứ 6 bị Cục Quản lý cạnh tranh tước giấy phép kinh doanh sau những cái tên như Công ty CP Sản xuất thương mại Con Đường Việt, Công ty TNHH Tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty CP Xuất nhập khẩu & Thương mại Quốc tế TNC, Công ty CP New Power Việt Nam - sau đổi tên thành Trái tim Ngọc Việt, Công ty Liên Kết Việt.

Phanh phui sai phạm, liên tiếp xử phạt
Từ ngày 18/7, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với Lâm Phúc Hùng (SN 1959, ở phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội) - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Diamond Holiday Đông Nam Á với vai trò cầm đầu đường dây kinh doanh thương mại điện tử đa cấp xuyên quốc gia. Dự kiến, HĐXX sẽ tuyên án vào ngày 2/8 tới.

Ngày 27/7, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố xử phạt 2 DN 870 triệu đồng vì những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp. Trong đó, Công ty CP Japan Life Việt Nam bị phạt hành chính với số tiền 410 triệu đồng; Công ty TNHH Absonutrix Việt Nam bị phạt số tiền 460 triệu đồng.

Trước đó, ngày 19/7, Cục Quản lý cạnh tranh đã ban hành quyết định xử phạt Công ty CP Đầu tư Sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam với tổng số tiền 350 triệu đồng. Đây không phải lần đầu tiên DN này vi phạm, bị xử phạt. Trước đó, DN này từng bị Thanh tra Sở Công Thương Hà Nội và Cục Quản lý cạnh tranh phạt hơn 300 triệu đồng.

Các sai phạm của các DN bán hàng đa cấp được chỉ ra: Các DN đưa thông tin sai lệch về công dụng của hàng hóa; Duy trì nhiều hơn một vị trí kinh doanh đa cấp/mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng đa cấp; Không ký hợp đồng bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp; Không cam kết cho người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa…

Điều đáng nói, hàng loạt công ty sai phạm bị phát hiện trên cơ sở đơn khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp và phản ánh của báo chí, mà Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra và xử lý. Cụ thể, mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và phát hiện hàng loạt sai phạm đối với Công ty CP Liên kết tri thức (K-Link); Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long; Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam. Trong đó, Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long từng bị báo Kinh tế & Đô thị phanh phui sai phạm, phải thanh lý hợp đồng, trả lại tiền cho nạn nhân tham gia.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, qua thanh, kiểm tra đã phát hiện ra 2 đối tượng tham gia bán hàng đa cấp. Trường hợp thứ nhất, họ đóng tiền cho công ty, sau đó nhận lại hàng để đi bán. Nhưng vì một số lý do nào đó, họ không tiêu thụ được hàng nên mong muốn trả lại cho công ty để lấy lại tiền. Với trường hợp này, nếu công ty từ chối không nhận lại hàng mà không có lý do chính đáng, Bộ Công Thương sẽ vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của những người tham gia. Còn đối tượng thứ 2, họ không phải là người bán hàng đa cấp thực sự. Họ đưa tiền cho công ty để mong chờ khoản lãi do công ty chi trả, mà không nhận hàng, thậm chí từ chối nhận hàng. Đây không phải là quan hệ bán hàng đa cấp. Cho nên, khi xảy ra tranh chấp giữa các bên với nhau, cần có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu tranh chấp dân sự thì ra tòa dân sự. Còn nếu một bên cho rằng, bên kia có dấu hiệu lừa đảo thì nên báo với cơ quan công an để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

Lành mạnh hóa thị trường kinh doanh hàng đa cấp

Vấn đề đặt ra, làm thế nào để lành mạnh hóa thị trường kinh doanh hàng đa cấp? Theo luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Công ty Luật Basico, đừng bao giờ đổ lỗi cho người dân tham lam, kém hiểu biết. Người dân bị lừa do thủ đoạn lừa đảo trắng trợn, nhưng vì cơ quan quản lý không thể kiểm soát nên khi hậu quả xảy ra khủng khiếp, người dân tố cáo quá nhiều, mới bắt đầu xem xét. Làm thế nào để cơ quan quản lý cấp phép xong phải đảm bảo không bị lợi dụng. Nếu không thể quản lý được, cơ quan quản lý đừng cấp phép, nếu đã cấp phép rồi thì phải xử lý và thu hồi đúng lúc.

Trên thực tế, Bộ luật Hình sự chưa có điều khoản nào xử lý bán hàng đa cấp biến tướng và những hệ lụy của nó. Vì thế, các chuyên gia pháp lý cho rằng, các bộ như Công Thương, Tư pháp, Tài chính cần có Thông tư liên bộ để quản lý chặt chẽ hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng nên rà soát, bổ sung sửa đổi Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp để có những chế tài phù hợp với từng trường hợp, tránh để những biến tướng từ hoạt động đa cấp do lợi dụng kẽ hở pháp luật hoành hành.
16 doanh nghiệp bán hàng đa cấp không phép

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, cả nước có 16 DN bán hàng đa cấp không phép tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Quảng Nam, Nghệ An, Thanh Hóa. Trong đó, riêng tại Hà Nội có 10 DN: Công ty CP Everrichs Global; Công ty CP Thương mại Merro; Công ty CP Thương mại quốc tế Focus Việt Nam; Công ty Công nghệ mới và Phát triển quốc tế Amkey Việt Nam; Công ty CP Phát triển thương mại Lotus Việt Nam; Công ty CP Đầu tư và phát triển Union Việt Nam; Công ty CP BigForest; Công ty CP Thiên Phương Việt Nam. 6 DN còn lại là hộ kinh doanh Trương Thị Kim Nguyệt tại Quảng Nam; Công ty CP Khoa học Công nghệ Trường Sinh tại Nghệ An; Công ty CP Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 tại Bà Rịa Vũng Tàu; Công ty TNHH Hải Nam Quy Nhơn tại Bình Định, Công ty CP Đầu tư xúc tiến thương mại Hợp Phát tại Thanh Hóa.