Chân dung kẻ cầm đầu
Công an TP Hà Nội cho biết, liên quan đến đường dây cho vay qua app và đòi nợ dưới hình thức “tín dụng đen” vừa được Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) - Công an TP phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an, các Phòng nghiệp vụ của Công an TP triệt phá; cơ quan công an đã làm rõ đối tượng được xác định là người điều hành chính hệ thống cho vay, đòi nợ tại Việt Nam là Nguyễn Quang Vũ (SN 1987, trú tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội).
Đồng thời, cơ quan CSĐT cũng xác định đối tượng quản lý phụ trách toàn bộ hệ thống đòi nợ tại Việt Nam là Zhang Min (Mẫn), SN 1986, người Trung Quốc. Đối tượng Mẫn chịu trách nhiệm quản lý, đốc thúc các trưởng bộ phận đòi nợ của khách hàng.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Quang Vũ khai nhận, đối tượng cầm đầu hệ thống này là người Trung Quốc, tuy nhiên, khi đối tượng này không có mặt, Vũ sẽ được ủy quyền, chịu trách nhiệm ký các giấy tờ liên quan đến ngân hàng, hợp đồng với khách hàng được công ty nhận đòi nợ thuê… Vũ được công ty trả số tiền lương 44 triệu đồng/tháng.
Cũng theo đối tượng Vũ cũng khai nhận, để hợp thức hóa việc cho vay lãi nặng và đòi nợ, các đối tượng thành lập công ty cầm đồ, lập 3 app vay là “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”. Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng vay qua hệ thống 3 app trên khoảng gần 1 triệu người. Mỗi tháng, số tiền các đối tượng giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng.
Để có được số lượng khách hàng dồi dào trên, các đối tượng chạy quảng cáo trên mạng xã hội và thẩm định hồ sơ khách hàng. Khách được coi là uy tín thường làm công việc cố định, danh bạ điện thoại là những người cũng có nhân thân rõ ràng.
Nhân viên của công ty được tuyển chọn cũng chia làm hai loại: Loại 1 là nhân viên hành chính các bộ phận như kế toán, nhân sự, phát triển thị trường. Những người này yêu cầu về trình độ học vấn cao.
Còn loại 2 là những nhân viên bộ phận truy thu, thường là các đối tượng có tiền án tiền sự, nhân thân xấu, thậm chí là thành phần xã hội cộm cán, giang hồ, hoặc có kinh nghiệm trong việc đòi nợ thuê.
Vạch trần thủ đoạn lưu manh
Đối với mỗi hồ sơ vay tiền, các đối tượng sẽ sàng lọc, kiểm tra mức độ tín nhiệm, an toàn rồi mới quyết định cho vay bao nhiêu. Khách hàng càng cung cấp được những thông tin cá nhân chính xác bao nhiêu, hoặc làm ở những cơ quan Nhà nước, những người “có tóc” thì vay càng dễ, càng nhanh và càng được vay nhiều.
Đối với những khách hàng vãng lai, có nguy cơ “bùng” tiền thì mức độ tín nhiệm để xét duyệt cho vay thấp, số tiền vay được ít thậm chí hồ so bị loại ngay.
Và để thu hồi nợ nhanh, không chỉ đe dọa, khủng bố, tấn công con nợ, các đối tượng phụ trách truy thu được phân cấp từ M0 - M3 thậm chí cắt ghép ảnh “nóng” của khách hàng và bạn bè, người thân của họ, tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, tạo áp lực.
Theo lãnh đạo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, đơn vị cũng đã nắm bắt được nhiều vụ việc nạn nhân không vay tiền, nhưng bị tung ảnh lên mạng Internet hòng khủng bố tinh thần, buộc bản thân những người này phải thúc giục con nợ của chúng trả tiền để được… yên thân.
Do vậy, ngay khi chuyên án được xác lập, đơn vị cũng đã vào cuộc quyết liệt, huy động CBCS phối hợp chặt chẽ cùng với Phòng Cảnh sát hình sự và các Phòng nghiệp vụ của CATP triệt phá đường dây có tổ chức này trong thời gian sớm nhất, không để tình trạng các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội.
Phòng CSHS, Công an TP Hà Nội thông tin thêm, nhiều trường hợp khách hàng đã chi trả cả tiền gốc và lãi, tuy nhiên, các đối tượng lại tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản, ép khách phải vay… Hành vi của các đối tượng là manh động, táo tợn, gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân.
Việc cắt ghép ảnh, tung lên mạng xã hội đe dọa để gây áp lực cho con nợ cũng như người thân, bạn bè của họ là hành vi không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vô đạo đức, xâm hại đến đời sống tinh thần của các bị hại.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT - Công an TP Hà Nội tiếp tục đấu tranh làm rõ để đưa các đối tượng ra xử lý trước pháp luật.