Lấy cuộc sống, quyền lợi hợp pháp của Nhân dân làm trọng tâm công tác dân vận

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/10, Ban Dân vận T.Ư phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo trực tuyến với các địa phương 70 năm tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao giải cuộc thi viết "Dân vận khéo" năm 2019.

Dự hội thảo tại điểm cầu Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận T.Ư Điểu K'ré; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng. Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà.
 Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng phát biểu tại hội thảo.
Cơ sở lý luận để đề ra chính sách về dân vận
Ngày 15/10/1949, tác phẩm Dân vận của Bác đã đăng trên báo Sự thật với bút danh XYZ. Thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, đất nước ta đã trải qua 4 năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp và đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng của cuộc kháng chiến. Việc nhấn mạnh, coi trọng quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, huy động sức mạnh của Nhân dân cho cuộc kháng chiến là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong giai đoạn này.
Tác phẩm Dân vận của Bác có 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ; Dân vận là gì; Ai phụ trách dân vận; Dân vận phải thế nào. Có thể nói, tác phẩm Dân vận là “Cương lĩnh Dân vận” của Đảng, thể hiện tư tưởng tin dân, trọng dân, coi trọng sức mạnh của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, tiếp nối truyền thống của cha ông ta về vai trò của Nhân dân “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ tác phẩm Dân vận là sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của Nhân dân và tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Tác phẩm Dân vận kết tinh tư tưởng, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh về công tác dân vận và được thể hiện cô đúc trong nhiều vấn đề lớn: Về bản chất dân chủ của Nhà nước Việt Nam – Nhà nước của dân, do dân, vì dân; nội dung, nhiệm vụ, phương pháp dân vận nhằm tổ chức, vận động, tập hợp lực lượng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung làm rõ các giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tác phẩm. Đồng thời khẳng định, đây là cẩm nang cho công tác vận động quần chúng của Đảng, Nhà nước và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị. Đối với công cuộc đổi mới hiện nay, tác phẩm Dân vận vẫn còn nguyên tính thời sự và cơ sở lý luận để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, chính sách về công tác dân vận.
Thực hiện đồng bộ dân vận trên 4 lĩnh vực
Tham luận tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, trong thời gian qua, cùng với việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, Thành uỷ Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng, đạt nhiều kết quả tích cực. 
Theo đó, hệ thống dân vận từ TP đến cơ sở được kiện toàn, phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới; hiệu quả hoạt động được nâng cao. Công tác dân vận của chính quyền và dân vận của các lực lượng vũ trang Thủ đô được tăng cường. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác tôn giáo và dân tộc được chú trọng, thực hiện có hiệu quả, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tập trung trên địa bàn Thủ đô được an tâm, đời sống được nâng lên rõ rệt. Việc phối hợp công tác giữa khối dân vận TP với các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được quan tâm đẩy mạnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đã có sức lan toả, đạt hiệu quả thiết thực.
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tham luận tại hội thảo.

 

Cụ thể, công tác đăng ký và thực hiện xây dựng mô hình “Dân vận khéo” được thực hiện đồng bộ trên 4 lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị theo 3 cấp (TP; cấp quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và cấp cơ sở). Theo đó, trong lĩnh vực phát triển kinh tế là thực hiện dân vận khéo trong vận động chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các khu đô thị, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, thực hiện tốt chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình... Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, vận động thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Xây dựng nền quốc phòng toàn dân”.
Để thực hiện tốt công tác dân vận trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội cho biết, Đảng bộ TP Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp Nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên trong toàn Đảng bộ nhận thức sâu sắc về công tác dân vận trong tình hình mới. Thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình Nhân dân, tham mưu kịp thời, hiệu quả với cấp ủy, chính quyền, giải quyết những vấn đề dân sinh; vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội đảng các cấp. Các cấp uỷ đảng tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận.
Ngoài ra, thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt “Năm dân vận chính quyền”. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp của TP trong công tác tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò nòng cốt trong tập hợp, đoàn kết nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội. 
Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, vai trò của phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội, các tầng lớp Nhân dân đối với phong trào. Xây dựng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, tập trung vào những nhiệm vụ trọng điểm của TP, những vấn đề dân sinh, bức xúc. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo”, kịp thời tham mưu, chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu. 
Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Dân vận T.Ư Trương Thị Mai cho biết, thực tiễn 70 năm qua cho thấy, để có được niềm tin của Nhân dân thì mọi quyết định của Đảng phải xuất phát từ cuộc sống của Nhân dân và đặt lợi ích hợp pháp, chính đáng, đời sống của người dân là mối quan tâm hàng đầu. Các chính sách được ban hành không chỉ hợp lòng dân mà còn phải vận động, tuyên truyền để tạo đồng thuận, phát huy vai trò làm chủ, động viên Nhân dân tham gia, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Trưởng Ban Dân vận T.Ư, quá trình đổi mới cũng phát sinh những vấn đề phức tạp và có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân. Nơi này, nơi kia vẫn còn tồn tại những bức xúc và có những vụ việc nghiêm trọng kéo dài. Theo đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa gương mẫu trước dân, còn dân chủ hình thức và để lại hình ảnh chưa tốt trong Nhân dân cần phải kịp thời xem xét, giải quyết thấu đáo.
Để tiếp tục phát huy giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm Dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác dân vận thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực và lấy cuộc sống, quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Nhân dân là trọng tâm. Bên cạnh đó, phải triệt để đổi mới công tác tuyên truyền, giải thích, thuyết phục bằng nhiều hình thức để Nhân dân hiểu và không bị các thế lực thù địch gây nhiễu loạn tư tưởng tạo bất ổn xã hội.
“Phải nắm chắc tình hình, tâm tư của Nhân dân một cách khoa học, công khai, minh bạch, lý giải rõ ràng, thấu tình, đạt lý trước khi triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước, xây dựng các dự án, công trình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu trong cuộc sống và mọi hoạt động của mình, đảng viên đi trước, làng nước theo sau, phải trọng dân, chân thành với dân, gần dân, sát dân, vui buồn cùng dân, có trách nhiệm với dân, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, không chủ nghĩa cá nhân” – ông Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Theo ông Trần Quốc Vượng, trong số các cán bộ làm công tác dân vận còn có người chưa yên tâm với nhiệm vụ được giao và còn so kè với các lĩnh vực khác nên chất lượng công tác thấp. Từ đó, ông Trần Quốc Vượng yêu cầu, không nóng vội, chủ quan và phải nhiệt tình, trách nhiệm, say mê với công việc. Nếu cán bộ, đảng viên từ mỗi thôn, bản, làng, xã đến huyện, tỉnh và T.Ư xác định rõ tâm thế, trách nhiệm vì dân, tâm huyết với dân thì công tác dân vận sẽ chuyển biến tích cực. Đồng thời, phải chú trọng nhân rộng các tấm gương cá nhân điển hình trong công tác dân vận.
Để tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, tập trung khắc phục, giải quyết dứt điểm, triệt để những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm. Cần quy định rõ trách nhiệm thực hiện công tác dân vận của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, đảng viên. Hàng năm tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác dân vận của tập thể cấp ủy, đảng viên. Tiếp tục nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác dân vận.