Lấy lợi ích quốc gia làm trọng

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu hát "Vì Nhân dân quên mình/ Vì Nhân dân hy sinh/ Anh em ơi, vì Nhân dân quên mình!" ấy, cứ văng vẳng và ám ảnh mãi khi tôi đang thử "giải mã" câu chuyện quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh.

Vậy mà tại sao, tại ngay cạnh Sân bay Tân Sơn Nhất, cả một vùng đất rộng lớn của quân đội đang quản lý lại đem cho DN tư nhân Him Lam thuê 50 năm để mở sân golf và dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng với diện tích không hề nhỏ (157ha)? Vậy hiện ai đang vì dân và dân đang vì ai?
 
Quỹ đất Quốc phòng, đã từ nhiều chục năm nay, nó luôn thuộc lĩnh vực quản lý đặc biệt của quốc gia. Nhiều khi, do chưa có kế hoạch thực hiện dự án thì nó vẫn nằm trong quy hoạch của Bộ Quốc phòng, ít người dân nào dám hỏi kỹ bởi đó thuộc lĩnh vực bí mật. Tuy nhiên, câu chuyện như ở Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), ngoài khu vực sân bay dân dụng ra, nó còn là sân bay quân sự cùng cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng đóng quân ở phía Nam.

Tại sao tại văn bản gửi Ban Dân nguyện của Quốc hội, UBND TP Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh vào ngày 22/4/2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là ông Phùng Quang Thanh cho biết, dự án sân golf và dịch vụ ở Sân bay TSN được triển khai theo quy định hiện hành, phù hợp quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và đã có chủ trương đầu tư được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đề nghị của 8 bộ, ngành gồm: Xây dựng, TN&MT, GTVT, Tài chính, KH - ĐT, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban TDTT quốc gia và Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý cho phép đầu tư.

Nhưng có thông tin dẫn chứng, chủ đích của dự án không như Bộ Quốc phòng đơn phương giải thích như vừa nêu. Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần tại Công ty CP đầu tư Long Biên (chủ đầu tư sân golf TSN) ngày 24/7/2014, tức sau thời điểm Bộ Quốc phòng trình báo cáo kể trên khoảng 3 tháng, DN lại công khai nội dung khác hẳn.

Bản công bố này nói rõ tại sân golf TSN, ngoài sân golf 36 lỗ, Công ty còn tính toán làm khu biệt thự, khu căn hộ cao cấp, khu trường học và khách sạn cao cấp... với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5.443 tỉ đồng. Thời gian khai thác toàn dự án là 50 năm. Diện tích đất dành cho các khu nhà ở cho thuê trong sân golf này là 124.519m2.

Không chỉ vậy, trên trang web hiện nay của Công ty CP đầu tư Long Biên giới thiệu về sân golf TSN cũng ghi rõ ngoài nhà hàng Him Lam tiêu chuẩn 4 sao, trung tâm hội nghị tiệc cưới Him Lam Palace, sẽ có hàng loạt biệt thự cao cấp, căn hộ và khách sạn...

Như thế có nghĩa, dự án nói trên đã nằm trong một "chiến lược" rất bài bản của nhà đầu tư với hy vọng sẽ "nuốt tươi" khu sân golf TSN mà họ đang nắm giữ như hợp đồng đã được ký. Vậy là nếu có thay đổi để mở rộng sân bay sẽ vô cùng phức tạp. Nó sẽ không như mọi người nghĩ. Chúng ta phải thương lượng trên tinh thần động viên họ hãy nghĩ đến lợi ích đất nước mà "hy sinh".

Nói như ĐB Quốc hội (TP Hồ Chí Minh) Trương Trọng Nghĩa thì vấn đề này phải đề nghị Chính phủ đứng ra chủ trì việc thu hồi đất sân golf trả lại cho sân bay TSN, cũng như vận động để nhà đầu tư thấy được lợi ích lớn hơn cho nền kinh tế...

Công thổ quốc gia là do Nhà nước quản lý. Quân đội đến khi nào đó cần, Nhà nước sẽ đáp ứng. Vậy thì tại sao trong chuyện này có lẽ nào lại khó vậy?

Liên quan tới vấn đề này, tại phiên họp ngày 8/6, khi thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội lo không biết lấy đâu 23.000 tỷ đồng để làm kịp Sân bay Long Thành cho đúng kế hoạch.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khẳng định, chúng ta vẫn có thể làm được theo hướng phân kỳ giai đoạn. Đó là dùng chính quỹ đất Quốc phòng trong sân bay hoán chuyển vị trí đi nơi khác. Tức là sẽ đề ra hướng thu hồi lại tất cả rồi giao một phần (tạm đủ) phát triển lĩnh vực vận tải khách cho Cảng hàng không TSN đến một năm nào đó đủ cho việc xây dựng và hoàn thành sân bay mới. Riêng khu sân bay quân sự và cơ quan đại diện Bộ Quốc phòng thì tính di dời sao cho thuận lợi nhất, có lợi nhất mà vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng cho đất nước.

Thực ra, sân bay (cả dân sự và quân sự) mà đặt ngay trong TP như bây giờ cũng đâu phải là hay gì nếu không nói là rất mất an toàn. Chúng ta nên tính toán cả vấn đề này sao cho thật khoa học.

Quỹ đất sân bay hiện có của quân đội, nên quy hoạch lại, ngoài việc giao cho hàng không dân dụng thì phần còn lại, nên quy hoạch thành một khu đô thị mới, hoàn hảo, chất lượng rồi bán "đất vàng" này cho dân, cho DN nếu ai có nhu cầu theo hình thức đấu giá. Chúng ta có thể làm theo hướng huy động vốn từ người tham gia đầu tư tự ứng trước và có hình thức khuyến khích họ thế nào đó mà họ thấy có lợi thì họ sẽ tham gia.

Với tổng diện tích khu Sân bay TSN hiện có, nếu được đấu giá sau khi Nhà nước tự thực hiện giải phóng mặt bằng và làm hoàn thiện hạ tầng thì nguồn thu được chắc sẽ đủ xây Sân bay Long Thành, xây sân bay quân sự mới ở đâu đó và cả việc xây trụ sở Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam...

Rồi đến giai đoạn sau đây vài chục năm, chúng ta nên tính đến cả giải pháp di dời nốt sân bay dân dụng TSN ra khỏi TP để đảm bảo an ninh, an toàn bay tốt hơn...

Với trách nhiệm của từng cơ quan, từng cá nhân, kể cả chủ đầu tư, nếu vì lợi ích quốc gia được đặt lên trên hết, thì đều có thể có một đáp số chung hài hòa cho công việc nói trên.