Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (ngày 14/11), Quốc hội tiến hành hoạt động quan trọng trong kỳ họp này là lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là lần thứ hai, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.

Ủy viên Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh: Nên lấy phiếu tín nhiệm hàng năm

Những chức danh lần trước có mức độ tín nhiệm chưa cao đã vào cuộc tích cực thể hiện ở lĩnh vực họ chịu trách nhiệm và có sự chuyển biến rất rõ. Tôi cho rằng, trong lần lấy phiếu này, họ sẽ được đánh giá cao hơn. Điều này còn chứng tỏ đây là một kênh đánh giá cán bộ tốt. Tất nhiên, sự chuyển biến phụ thuộc rất nhiều vào cố gắng tự thân của các chức danh, nhưng sự đánh giá khách quan của ĐB cũng là một động lực để thúc đẩy.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội): Bỏ phiếu khách quan và dân chủ

Bỏ phiếu phải xuất phát từ ý kiến và quyền lợi của đại đa số cử tri để đánh giá, bỏ phiếu, đảm bảo đúng tinh thần khách quan và dân chủ, không bị lệ thuộc cái gì cả. Cũng như lần lấy phiếu đầu tiên, tôi rất kỳ vọng qua lần lấy phiếu này, các chức danh sẽ có nhận thức mới hơn, thúc đẩy mạnh hơn công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực phụ trách.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội): Một hình thức giám sát tương đối hiệu quả

Để có cơ sở đánh giá các chức danh trong lần này, tôi đã dành nhiều thời gian quan sát, nghe tiếng nói của cử tri nói chung và cử tri ở chính lĩnh vực các chức danh quản lý. Tôi khẳng định có thể đánh giá rõ được từng vị bộ trưởng, trưởng ngành, và tôi tin, mỗi ĐB Quốc hội sẽ là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, dám chịu trách nhiệm trước việc làm và chính kiến của mình khi bỏ lá phiếu. Bởi nếu trở thành hoạt động thường xuyên, đây sẽ là hình thức giám sát tương đối có hiệu quả, giúp các chức danh khắc phục tốt khiếm khuyết.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hài Phòng):Phải đánh giá toàn diện

Có những vị bộ trưởng rất năng động và tất nhiên cũng có những việc không phải ngày một ngày hai có thể giải quyết được như lĩnh vực y tế, giáo dục, yêu cầu sửa ngay thì khó. Bên cạnh đó còn phải xem cơ chế chính sách, xem người đứng đầu, tư lệnh ngành có được xử lý cấp dưới không. Theo tôi, phải đánh giá khách quan và toàn diện, bởi có những việc không phải người lãnh đạo muốn là có thể làm ngay được.

 
Theo chương trình dự kiến, ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng báo cáo một số vấn đề về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, Quốc hội sẽ biểu quyết danh sách những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, đồng thời thảo luận ở tổ về vấn đề này. Ngày 15/11, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu sẽ được công bố vào chiều cùng ngày.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần