Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến nhằm xây dựng và hoàn thiện Luật Thủ đô. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô sửa đổi sẽ hướng tới những chính sách đặc thù và vượt trội cho Thủ đô Hà Nội, tuy nhiên, dự luật cần được xây dựng trên tinh thần “Thủ đô vì cả nước” để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các địa phương.
Qua đó, Thủ đô sẽ được trao thêm quyền để có thể phát huy tính sáng tạo, tăng tính tự chủ của chính quyền thành phố để “gánh” được thêm những việc khó khăn mà trước đây Thủ đô không thể thực hiện được. Một số ý kiến cũng cho rằng, Luật Thủ đô không chỉ hướng tới phát triển kinh tế mà còn phải hướng tới các chính sách riêng có về văn hóa, lịch sử và bảo tồn nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Thủ đô. Một số ý kiến cũng đề nghị cần xác định rõ những chức năng, nhiệm vụ mà Hà Nội có thể thực hiện nhưng chưa có trong Luật Thủ đô và những nhiệm vụ mà không có Luật Thủ đô, Hà Nội vẫn phải thực hiện để từ đó xác định rõ mục tiêu nhằm hoàn thiện dự án luật…
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc tổng kết thực hiện dự án luật là cần thiết nhằm đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô; từ đó nghiên cứu, đề xuất các chính sách, lập hồ sơ đề nghị và xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trước khi hoàn thiện.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của đại diện các sở, ngành liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBNDTP Lê Hồng Sơn đề nghị các thành viên tổ soạn thảo khẩn trương lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự luật trước ngày 15/7. Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Tài chính căn cứ vào quy định hiện hành, áp dụng các cơ chế tài chính đặc thù nhằm tạo điều kiện tối đa cho các đơn vị có đủ nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ thành phố giao.
Phó Chủ tịch Thường trực cũng lưu ý, để hoàn thiện dự luật, các cơ quan chức năng cần phân loại các nhóm công việc cần giải quyết; đồng thời đề xuất các nhóm chính sách cụ thể để có thể giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng. Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, các cơ quan truyền thông, báo chí của Thủ đô cần mở thêm các chuyên trang, chuyên mục, qua đó lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia nhà khoa học và đông đảo các tầng lớp nhân dân để xây dựng và hoàn thiện Luật Thủ đô, tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò vị thế là Thủ đô, trái tim của cả nước.