Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/2, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Nhập cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài (Luật CTCCNNN) tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo, một số sở, ngành, quận, huyện TP và chuyên gia các học viện, trường đại học có liên quan tham dự.

Đóng góp cho dự thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng đề nghị tại khoản 1, Điều 3 (Luật CTCCNNN) tại Việt Nam, phần giải thích từ ngữ, người nước ngoài đề nghị cần bổ sung “là người không có quốc tịch Việt Nam” sử dụng hộ chiều hoặc giấy tờ có giá trị… để thống nhất với Luật Quốc tịch Việt Nam 2008.

Ông Hùng cũng bổ sung quy định về các trường hợp bị hoãn xuất cảnh, cần bổ sung trường hợp vì lý do phòng, chống dịch bệnh như đối với quy định về trường hợp chưa cho nhập cảnh. Bởi vì ngoài việc phòng, chống dịch bệnh trong nước, Việt Nam cũng phải có nghĩa vụ quốc tế đối với việc phòng chống dịch bệnh chung. Nếu để người nước ngoài đang ở Việt Nam, bị mắc một loại bệnh có nguy cơ lây lan được xuất cảnh, thì cũng rất nguy hiểm cho nước khác.
Quang cảnh Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội lấy ý kiến vào một số dự thảo luật ngày 20/2/2014. Ảnh: Trọng Quý
Quang cảnh hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo CTCCNNN tại Việt Nam của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội.
Ông Đỗ Minh Sơn, Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị dự thảo cần xem lại phạm vi điều chỉnh quyết định tại điều 1 dự thảo như: “…quyền trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đây là phạm vi rộng song đến chương VIII lại bó hẹp phạm vi”…chỉ là quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người khác ngoài nhập cảnh, xuất cảnh tại Việt Nam. Ngoài ra cũng cần xem lại nội dung quy định về trách nhiệm của UBND các cấp, đặc biệt là trách nhiệm trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội đề nghị xem lại, điều kiện cấp thị thực quy định tại điều 10 - Người nước ngoài phải chứng minh về tài chính. Đây là điều kiện cần và đủ để hạn chế một cách hiệu quả nhất người nước ngoài lang thang tìm việc hay không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính trước khi rời khỏi Việt Nam. Có ý kiến đề nghị, trong điều khoản giải thích từ ngữ, cần phân loại rõ đối tượng không quốc tịch, người Việt Nam, người nước ngoài… Về quy định người có thẻ tạm trú bảo lãnh, cần bổ sung nội dung, làm rõ thêm mối quan hệ huyết thống, mối quan hệ thăm thân, quy định về bảo lãnh con cái nhập cảnh vào Việt Nam dưới 18 tuổi… Quy định rõ hơn về điều kiện phải có ở doanh nghiệp, tổ chức giáo dục trong trường hợp bảo lãnh cho người nước ngoài vào Việt Nam. Bổ sung thêm các hình thức khác như quy định định trục xuất trong vòng 2 năm… Nghiên cứu kỹ hơn về quy định khai báo tạm trú trong vòng 24 giờ khi đến Việt Nam; Quy định rõ hơn về trách nhiệm của người, cơ sở cho lưu trú. Ngoài ra, Luật cũng cần nghiên cứu đối chiếu cho phù hợp một số luật liên quan như  Luật Hàng không dân dụng, Luật Biên giới quốc gia… 

Thay mặt Đoàn ĐBQH Thành phố, ông Chu Sơn Hà -Phó Trưởng Đoàn ĐBQH ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tổng hợp, báo cáo UBTV Quốc hội nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung vào các điều, khoản của Luật và trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần