Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lấy ý kiến người dân khi lập quy hoạch xây dựng đô thị: Nhiều bất cập vì thiếu quy định cụ thể

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc lấy ý kiến của người dân là một trong những giai đoạn của quá trình lập quy hoạch đô thị đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện cho thấy vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập, dẫn đến việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư vào các bản quy hoạch hiện nay còn mang tính hình thức. Kết quả là nhiều bản quy hoạch khi công khai rộng rãi đã bị người dân trong khu vực ảnh hưởng phản đối quyết liệt, không thể thực thi.

 Cầu vượt trung tâm quận Long Biên. Ảnh: Nguyễn Đức
Quy định chưa cụ thể

Hiện nay, về cơ bản các quy định pháp luật đã tạo khung cho sự tham gia của cộng đồng vào quá trình lập quy hoạch đô thị dưới hình thức lấy ý kiến góp ý. Cụ thể, trong Luật Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 đưa ra quy định yêu cầu lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Quy định cụ thể hình thức thực hiện, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động lấy ý kiến. Theo Điều 16, 17 Luật Xây dựng năm 2014 quy định chi tiết hơn về trách nhiệm, hình thức, thời gian lấy ý kiến cộng đồng và phản hồi ý kiến: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản hoặc góp ý kiến trực tiếp”.

Gần đây nhất là quy định trong Luật Quy hoạch năm 2019 và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch đã nêu quy định về quy trình lấy ý kiến cộng đồng cho từng loại quy hoạch, thẩm quyền của các cơ quan quản lý. So với Luật Xây dựng năm 2014 và Luật QHĐT năm 2009, Luật Quy hoạch năm 2019 có quy định rõ hơn về trách nhiệm tổng hợp ý kiến và giải trình của cơ quan lập quy hoạch, tiếp thu ý kiến, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan trước khi trình thẩm định quy hoạch. Theo Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy, việc triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư đã được nêu trong quy định của Luật.
Tuy nhiên, đến nay nội dung này đang gặp nhiều vướng mắc khi quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về cấp độ, phạm vi, thành phần, tỷ lệ ý kiến đồng thuận… Chính vì vậy, hầu như các đơn vị tư vấn lập quy hoạch đều đang tự đưa ra nội dung để xin ý kiến cộng đồng mà không có bất kỳ phom mẫu chung nào. Về hình thức xin ý kiến đối với từng cấp độ quy hoạch từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cũng chưa có quy định cụ thể nên cũng gặp nhiều khó khăn. “Khi tổ chức lấy ý kiến người dân địa phương thì thường họ chỉ quan tâm là có bị GPMB hay không, chức năng đất của gia đình là loại đất gì theo quy hoạch. Nhưng ở cấp độ quy hoạch chung tỷ lệ 1/25.000 hay 1/10.000 là quy hoạch mang tính định hướng, tính vĩ mô rất lớn nên không thể trả lời chính xác cho người dân” – ông Lưu Quang Huy nêu ví dụ.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, việc huy động cộng đồng xã hội tham gia vào công tác quy hoạch là nhằm thể hiện tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch. Do đó, ngoài việc lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm chất lượng quy hoạch thì việc lấy ý kiến của người dân trong khu vực bị tác động bởi quy hoạch là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để việc góp ý có chất lượng, phát huy hiệu quả, các cấp ngành chức năng cần xây dựng lộ trình, xác định cụ thể đối tượng tham gia vào các đồ án quy hoạch, các dự án phát triển đô thị. “Có thể rút kinh nghiệm khi bản Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011 được triển lãm trưng bày triển lãm lấy ý kiến Nhân dân cả nước rất rầm rộ nhưng khi người dân, tổ chức muốn góp ý thì không có tài liệu hướng dẫn” - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.

Sớm gỡ vướng

Những vướng mắc trong việc xin ý kiến cộng đồng dân cư đã dẫn đến chậm tiến độ trong việc triển khai, thực hiện quy hoạch, dự án được phê duyệt, nhất là các dự án có tính chất nhạy cảm như nghĩa trang, khu xử lý rác thải, trạm điện… Ông Lưu Quang Huy nêu thực tế trong trường hợp thực hiện cụ thể hóa quy hoạch nghĩa trang Thủ đô. Ngay sau quy hoạch chung được duyệt, TP đã giao Viện Quy hoạch xây dựng lập quy hoạch chi tiết các nghĩa trang trên địa bàn TP.
Tuy nhiên, ngay từ bước xin ý kiến để lập nhiệm vụ quy hoạch thì hầu như 100% người dân địa các phương phản đối. Vì vậy, hiện nay toàn bộ các quy hoạch chi tiết nghĩa trang trên địa bàn TP Hà Nội đang phải dừng để thực hiện rà soát lại” – ông Lưu Quang Huy nêu. Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Nguyễn Văn Hải khẳng định, vai trò của cộng đồng đối với quy hoạch rất quan trọng. Để quy hoạch mang tính khả thi, có tính thực tiễn cao, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là vấn đề tiên quyết. Một bản quy hoạch có sự ủng hộ của người dân cũng giúp cho quy hoạch đạt hiệu quả cao khi triển khai, không có nguy cơ trở thành quy hoạch treo.

Sự tham gia của cộng đồng trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị được khẳng định là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh đang đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực trong phát triển đô thị. Những quy định pháp lý về vấn đề này đã được ban hành, tuy nhiên sau nhiều năm vẫn chưa đạt hiệu quả. Do vậy các chuyên gia quy hoạch đô thị đều cho rằng, rất cần cơ quan chức năng sớm gỡ vướng bằng việc hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện để bảo đảm sự tham gia thực chất của cộng đồng trong lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị.
Trong đó, cần phải quy định rõ về phạm vi được lấy ý kiến trong quy hoạch xây dựng đô thị. Đồng thời, cần quy định quy trình và các hình thức lấy ý kiến người dân để phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, từng địa phương, nhưng vẫn đảm bảo khung quy định thống nhất chung. Ngoài ra, cần giải thích rõ cụm từ “cá nhân”, “cộng đồng dân cư” được lấy ý kiến trong quy hoạch xây dựng đô thị bao gồm những ai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc bỏ sót đối tượng cần lấy ý kiến, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân một cách cao nhất. Đặc biệt, cần có quy định cụ thể về tỷ lệ ý kiến đồng thuận bắt buộc để nhiệm vụ và đồ án quy hoạch được thông qua. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến thông tin để cộng đồng hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình, để họ cùng tham gia vào quá trình lập quy hoạch.

Từ những vướng mắc hiện nay, kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành quy định thống nhất, cụ thể về việc xin ý kiến cộng đồng dân cư trong quá trình lập quy hoạch. Nhất là cần nghiên cứu hình thức phù hợp theo mô hình “sự tham gia của người dân” mà các nước tiên tiến đang áp dụng. Việc này sẽ giúp cho các đơn vị tư vấn lập quy hoạch và cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ để thực hiện và quản lý quy hoạch.

Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy
Thực tiễn nhiều năm làm công tác quy hoạch, tôi thấy chúng ta cần quan tâm hơn ý kiến của cộng đồng dân cư. Một số nước trên thế giới làm quy hoạch từ dưới lên trên, khi muốn xây dựng, quy hoạch họ xin ý kiến của dân cư trước. Ví dụ như tại Australia, họ còn lấy ý kiến các gia đình có học sinh tiểu học để xem ước mơ của các em là gì?

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Nguyễn Văn Hải