Lễ Giáng sinh năm 2025 là ngày nào?
Giáng sinh thường được tổ chức từ đêm 24/12, thời điểm thực hiện lễ vọng, còn ngày 25/12 là ngày lễ chính của Giáng sinh. Lễ Giáng sinh năm 2024 (25/12/2024) sẽ rơi vào thứ 4 ngày 25/11 Âm lịch. Đây là ngày giữa tuần nên phần lớn mọi người không thể gắn nó với kỳ nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật. Hoạt động vui chơi cần được gói gọn để không ảnh hưởng đến ngày làm việc hôm sau.
Ở phương Tây, Giáng sinh không phải là ngày lễ đơn lẻ mà thường nằm trong kỳ nghỉ lễ khá dài ngày, nối liền với Tết Dương lịch. Thời gian nghỉ đủ để các gia đình, nhóm bạn tổ chức những hoạt động vui chơi, tiệc tùng, dã ngoại, những chuyến du lịch xa nhà.
Đêm ngày 24/12, được biết đến với tên gọi đêm vọng Giáng sinh (Christmas Eve), người Công giáo thường đến nhà thờ làm lễ; nhiều người ngoại đạo cũng đến xem lễ và trải nghiệm không khí Giáng sinh vui vẻ, nhộn nhịp.
Không khí Giáng sinh bắt đầu xuất hiện trên phố từ đầu tháng 12 khi những con phố chính, trung tâm thương mại và nhà thờ được trang hoàng lộng lẫy với ánh đèn lung linh, cây thông Noel và những hình ảnh ông già Noel vui nhộn. Các quán cà phê, nhà hàng cũng trang trí công phu và cung cấp thực đơn đặc biệt chào đón lễ Giáng sinh.
Nhiều trường học và công ty tổ chức các buổi tiệc nhỏ, các chương trình văn nghệ hoặc dạ hội để các thành viên có dịp vui vẻ bên nhau, tăng cường sự gắn kết. Những hoạt động này không chỉ thu hút người lớn mà còn rất hấp dẫn đối với các em nhỏ, vốn luôn mong chờ quà tặng từ ông già Noel.
Lễ Giáng sinh ở các nước được tổ chức thế nào?
Mặc dù cùng kỷ niệm ngày Chúa Giesu ra đời, lễ Giáng sinh tại các quốc gia có những nét riêng do sự khác biệt về phong tục, tập quán và đặc trưng văn hóa.
Anh
Tại Anh, người dân thường gửi thiệp Giáng sinh, đón đêm vọng Giáng sinh với bữa tối truyền thống bao gồm gà tây, khoai tây nướng và sốt dâu tây. Ngày Boxing Day (26/2) sau Giáng sinh cũng rất quan trọng, mọi người thường trao đổi quà hoặc mua sắm. Đây là thời điểm có các chương trình khuyến mãi lớn.
Đức
Đức nổi tiếng với các khu chợ Giáng sinh truyền thống đầy màu sắc. Những con phố, quảng trường được trang trí với ánh đèn lung linh, người bán hàng chào mời những món đồ thủ công, bánh kẹo và rượu vang nóng. Tại Đức, trẻ em rất háo hức chờ đợi Ngày của thánh Saint Nicholas (6/12) vì đó là ngày thánh đến phát quà.
Pháp
Người Pháp đón Giáng sinh với không khí ấm cúng và thân mật. Le Réveillon là tên gọi của bữa tối Giáng sinh rất quan trọng tại Pháp, với các món như gà tây nhồi hạt dẻ, bánh khúc cây (bûche de Noël) và sâm-panh. Ở Provence (vùng Đông Nam nước Pháp) có một truyền thống độc đáo, các gia đình chuẩn bị 13 món tráng miệng trong tiệc Giáng sinh tượng trưng cho Chúa và 12 tông đồ.
Mỹ
Ở Mỹ, Giáng sinh cũng là dịp lễ lớn với nhiều hoạt động trang trí nhà cửa bằng đèn màu rực rỡ và cây thông Noel. Những buổi diễu hành Giáng sinh thu hút hàng triệu người xem. Người dân cũng tổ chức các bữa tiệc Giáng sinh, trao đổi quà và không thể thiếu bữa tối với gà tây nướng, bánh quy gừng hay bánh pudding.
Nga
Đối với những người theo Chính thống giáo Nga, nhiều nước Đông Âu và ở đất thánh Jerusalem, Giáng sinh rơi vào ngày 7/1 bởi họ dùng lịch Julius chứ không dùng lịch Gregorius có từ thế kỷ XVI.
Ông già Tuyết trong ngày Giáng sinh ở Nga mặc áo màu xanh và có một người cháu đi theo trợ giúp là Công chúa Tuyết. Công chúa là người trao quà cho trẻ em. Với nhiều người Nga quan niệm, Giáng sinh chính là dịp để nghỉ ngơi.
Giáng sinh ở Nga cũng là lễ kỉ niệm ngày sinh của chúa Giêsu. Trong ngày 7 tháng 1, ngày đầu tiên kỳ lễ, các bà vợ sẽ ở nhà dọn dẹp nhà cửa, cũng như chuẩn bị một bàn ăn cho đêm Giáng sinh với 12 món, trong đó nhất định không thể thiếu các món Pagach (chiếc bánh mì cỡ lớn) và Kutya (món tráng miệng làm từ ngũ cốc, nho khô, mật ong và hạt anh túc), món cháo đặc nấu từ lúa mì và nho khô hoặc đại mạch.
Trong Đêm Giáng sinh, người Nga có truyền thống đổi áo và đeo mặt nạ để không ai có thể nhận ra mình. Sau đó mọi người sẽ tổ chức các trò chơi và điệu nhảy truyền thống trong nhà hoặc trên đường phố. Người Nga còn có một phong tục khác đó là sẽ đi từ nhà này sang nhà khác, hát các bài đặc biệt ca ngợi gia chủ, chúc gia chủ mọi sự tốt lành và gia chủ sẽ mời khách những món ăn ngon hoặc cho tiền.
Mexico
Mùa Giáng sinh tại Mexico bắt đầu từ ngày 12/12 và kết thúc vào ngày 6/1 với nhiều nghi thức tôn giáo. Lễ hội Las Posadas diễn ra từ ngày 16/12 đến 24/12 tái hiện hành trình của Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse đến Bethlehem. Người dân Mexico sử dụng Pinãta (đồ vật dạng hộp làm từ giấy vụn, gốm hoặc vải được trang trí nhiều màu, bên trong nhét các loại đồ chơi, kẹo) để trang trí trong các lễ hội. Sau đó, người tham gia sẽ bịt mắt và đập vỡ Pinãta treo trên cao để lấy bánh kẹo và quà bên trong.
Australia
Giáng sinh ở Australia diễn ra vào mùa hè nên có chút khác biệt với các quốc gia ở bán cầu Bắc. Không có cảnh tuyết rơi và những người mặc áo ấm, dân Australia tổ chức tiệc nướng ngoài trời, tham gia các hoạt động trên bãi biển cùng gia đình, bạn bè và những sự kiện đặc biệt như Lễ hội ánh sáng trên cảng Sydney.
Nhật Bản
Mặc dù không phải là lễ hội truyền thống, Giáng sinh ở Nhật Bản dần trở nên phổ biến, chủ yếu mang tính chất thương mại. Người Nhật thường ăn gà rán và bánh kem Giáng sinh vào dịp này. Đối với nhiều cặp đôi, đây cũng là một dịp lãng mạn, tương tự như Ngày lễ Tình nhân.