Theo kiểu rất Lê Hoàng, đạo diễn Gái nhảy đã tâm sự về cái nghề mà anh đang theo đuổi: nghề giám khảo. "Chúng ta ai sinh ra rồi cũng có lúc phải làm thí sinh, không thi tốt nghiệp phổ thông, thi con khỏe con ngoan thì cũng thi tiếng hát truyền hình hay thi hoa hậu. Chưa kể những cuộc thi bắt buộc như thi bằng lái xe. Nhưng chả ma nào ra đời đã làm giám khảo hoặc đoán mình sẽ trở thành giám khảo. Bởi nói chung trong cuộc sống này, mình còn chấm mình chưa xong nói gì tới chấm đứa khác. Nhưng nếu như hoàn cảnh xô đẩy buộc cô gái trở thành người mẫu hay diễn viên thì nó cũng chả tiếc gì mà không có lúc tống một chàng trai tội nghiệp, ngây thơ hiền lành tử tế lên ghế giám khảo. Làm giám khảo không phải lúc nào cũng sướng. Đầu tiên, lên trên ấy ai cũng tưởng ngon. Cơm bưng thì chưa thấy nhưng chắc chắn có nước rót, lại có tý tiền. Trong thời buổi cả xăng, dầu, vàng đều lên giá thì số tiền ấy cũng không nên bỏ qua, ít ra cũng sắm được vài ký gạo. Nhưng ngồi làm rồi mới phát hiện ra mình dại, hoặc nếu không dại thì cũng hớ. Đầu tiên là hớ với Ban tổ chức. Chúng thường thề rằng cuộc thi này vui lắm nhưng sau này mới vỡ lẽ ra là nhiều cuộc chả vui gì cả, còn vắng hơn cả chùa bà Đanh và chùa ông Đanh. Sau đó bà con không hề quan tâm, thi cử gì mà chẳng ma nào biết. Tiếp theo là hớ với thí sinh. Lúc chưa thi thì ai cũng vui, ai cũng dễ thương, lúc thi và trượt rồi thì ai cũng mặt sưng mày xỉa, đứa nào rớt cũng nghĩ bị oan, bị giám khảo trù dập hoặc cho là giám khảo dốt chả hiểu mình. Nếu thí sinh là cán bộ thuế mà mình là con buôn thì nhất định sẽ có ngày bị trả thù. Sau đó là hớ với khán giả. Có mấy cuộc thi ở trong phòng kín đâu, mà thường cứ phải chường cái mặt ra cho khán giả nhìn. Mà khán giả thì ôi thôi có đủ loại thành phần, đẹp trai, thông minh hơn mình cũng có mà gian ác, kém cỏi hơn mình cũng có. Chúng tha hồ phê phán, đàm tiếu, bình phẩm về mình mà mình chỉ biết ngồi nghe rồi nhe răng cười. Cuối cùng là hớ với chính mình. Xưa nay chắc mẩm mình đẹp trai, thông minh hoặc vừa thông minh vừa đẹp trai, đến khi lên tivi chúng nó quay cho xấu hoắc, mặt nhăn nhó hoặc đen sì. Tiếp theo là âm thanh của chúng rè rè khiến giọng mình chua như giấm hoặc khàn như vịt, nếu có bồ chắc chắn bồ sẽ bỏ chạy.
Ngu mới làm giám khảo Tóm lại, nghề làm giám khảo là nghề nguy hiểm, xếp cùng với lính cứu hỏa, cảnh sát hình sự hay cưa bom. Đã có nhiều giám khảo trước khi đi chấm phải từ biệt vợ con, để lại tài sản cứ như đi vào cõi vĩnh hằng. Mình chấm thí sinh có nghĩa là thiên hạ chấm mình. Mà thí sinh có xa lạ gì đâu, cũng bạn bè cả, vừa hôm trước ôm vai bá cổ nó, thậm chí ăn uống, mượn tiền nó, hôm sau cho điểm nó có ghê không hả trời? Còn trong khi mình coi thí sinh phần lớn là đằng trước mặt, thì khán giả lại coi mình từ phía cả đằng trước lẫn đằng sau, cả bên trái lẫn bên phải, thậm chí lục tung cả lý lịch, cả quá khứ mình lên, toi là cái chắc. Nhiều vị bên ngoài dáng điệu rất cồng kềnh, tác phong chả khác gì giang hồ hảo hán, cứ tưởng lúc làm giám khảo phải giết người không ghê tay thì lại mềm như bún, nói năng năng dịu dàng, cử chỉ hòa nhã, nếu hiểu sâu sắc thật dễ thông cảm. Cha ông mình ngày xưa có câu: "Làm người ở đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" đã quá lạc hậu. Lúc này phải bổ sung thêm một cái ngu nữa là nghề giám khảo. Đứa thi không đỗ nói mình ác, đứa đó trách mình dốt, nếu không nó đã đỗ cao hơn. Còn đứa không thi nói mình vừa dốt vừa ác. Thế nhưng vẫn cứ phải làm vì nếu không sống bằng gì bây giờ? Làm thợ hồ chả ai mướn, làm thợ mộc chả ai mượn. Bởi vậy phải cắn răng làm giám khảo chứ sao? May mà các cuộc thi cũng thưa thớt, mỗi năm chỉ có vài lần nên chúng nó có ghét cũng nguôi ngoai rồi ta lại chấm tiếp. Sau đó hàng ngày chúng phải đánh nhau cơm gáo, gạo tiền đã kiệt sức, chẳng còn tâm trạng nào đánh giám khảo vậy là ta thoát. Vả lại cuối cùng bản chất vẫn tham lam. Nghe đồn làm giám khảo bên Tây, bên Mỹ hay bên Tàu danh giá lắm, có nhiều tiền lắm nên cố kéo dài, hy vọng sẽ có lúc bên mình cũng thế. Ôi thôi, cứ việc hy vọng đến trót đời. Ngoài tham ra cũng còn háo danh. Nếu không làm giám khảo, biết bao giờ cái mặt xấu xí của mình mới được lên truyền hình, mới có cơ hội xếp cạnh những sản phẩm quảng cáo cao quý như kem đánh răng hoặc dầu gội đầu, sữa chua nguyên chất? Thế thì lên mau mau là phải rồi. Cuối cùng mình chả làm sẽ có đứa khác làm, đừng có chảnh. Đừng tưởng thiên hạ lầm. Gì chứ ngồi như tượng, sau đó phát biểu mấy câu vô thưởng vô phạt chả chết ai thì thiếu gì kẻ làm được, không nhận sẽ mất phần ngay. Thôi thì làm khẩn cấp.