Người dân đi lễ tại Đền Bia Bà. |
Phát huy giá trị của di tích
Khu di tích đình, chùa Bia Bà từ lâu đã được du khách thập phương biết đến là nơi thờ Hoàng phi Trần Thị Hiền và 2 vị thành hoàng là Hắc Diện Đại Vương, Thiên Tiên Bảo Hoa công chúa (gọi là nhị vị đại vương).
Theo sử sách ghi, Hoàng phi Trần Thị Hiền là người xinh đẹp, thông minh, nết na thùy mị, luôn giúp đỡ người nghèo khó, hướng dẫn người dân cách làm ăn, mở mang nghề dệt lụa the. Khi lâm bệnh, bà về an nghỉ tại quê nhà cũ là làng La Ninh huyện Từ Liêm và khi mất được chôn cất tại cánh đồng Đa Bang trong làng, được dân làng tôn là Đức Thánh Bà.
Theo ông Quảng Xuân Phú - Phó Chủ tịch UBND phường La Khê: Lễ hội Bia Bà hàng năm được tổ chức trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng Âm lịch. Chính quyền và nhân dân làng La Khê, nay là phường La Khê tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ đến công lao của bà, cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa mọi việc thuận lợi, gia sự bình an. Đồng thời khích lệ Nhân dân phát huy những giá trị nhân văn từ đức tích tốt đẹp của bà để phát tâm làm việc tốt, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ gìn nghề truyền thống dệt lụa, xây dựng đô thị văn minh giàu đẹp.
Sau nhiều năm tuyên truyền, người dân đã có ý thức không đổi tiền, không để tiền lẻ trên mâm lễ tại khu di tích Bia Bà. |
Lễ hội Bia Bà năm nay không phải năm chẵn nên phường không tổ chức rước lớn. Các nghi lễ dâng hương được đảm bảo đúng quy định tiết kiệm, trang nghiêm, phù hợp với tín ngưỡng của dân gian. Trong 3 ngày diễn ra lễ hội phường La Khê tổ chức trông xe miễn phí cho du khách và cấm người dân đổi tiền lẻ, không xem bói tại nơi thờ tự, nhằm tạo ra nét đẹp văn hóa khi đi lễ.
Đảm bảo tôn nghiêm nơi tâm linh
Ông Phan Văn Hiền - Phó Trưởng ban Thường trực quản lý di tích Bia Bà cho biết: Tại các điểm thờ tự của khu di tích, Ban tổ chức đều in biển báo khổ lớn nhằm nhắc nhở người dân đi lễ ăn mặc lịch sự, không rắc muối gạo, không đốt mã lớn, hạn chế đốt tiền vàng nhằm đảo bảo tiết kiệm, đây là nội dung mà nhiều năm nay La Khê đã và đang tuyên truyền trong lễ hội Bia Bà.
Người dân đi lễ trong trật tự. |
Trước cửa đình, đền, chùa khu di tích Bia Bà đều được BQL in các tấm biển lớn quy định nội quy đi lễ. |
Đối với việc đốt vàng mã, Ban quản lý di tích nhiều năm nay đã tuyên truyền cho người dân và du khách đến thắp hương bái yết tại đình, chùa Bia Bà không dâng mã lớn như ngựa, voi. Đến nay, nhiều người đi lễ đình chùa Bia Bà chỉ bỏ ít tiền lẻ đèn nhang, một thẻ hương, 1 lễ nhỏ tiền vàng và hoa thể hiện lòng thành kính đến Hoàng Phi và các vị thần.
Chị Phượng ở Văn Quán đi lễ tại Bia Bà chia sẻ: "Năm nay tôi đi lễ chỉ mua 1 ít bánh, hoa tươi, không hóa tiền vàng. Tôi sẽ bỏ một ít tiền lẻ để thắp dầu nhang tại đây. Tôi nghĩ không đốt tiền vàng sẽ tiết kiệm cho gia đình và không gây hại cho môi trường".
Trong khi đó, ông Hưng chia sẻ: Tôi cùng với gia đình đi lễ tại Bia Bà chỉ 1 thẻ hương, 1 ít tiền vàng thể hiện lòng thành kính dâng lên đức Bà. Đây cũng là tiết kiệm cho gia đình đảm bảo hạn chế môi trường.Các lễ sắp trên bàn vào lễ chỉ là ít tiền vàng, bánh kẹo, không còn mã lớn. |
Phó Trưởng ban Thường trực quản lý di tích Bia Bà cho biết, ngoài việc hạn chế người dân hóa vàng mã, Ban quản lý di tích đã tuyên truyền cho khách thập phương vào đình, chùa ăn mặc, nói năng thể hiện nét văn minh lịch sự; kiên quyết mời ra khỏi đình, chùa những vị khách mặc quần áo thiếu văn hóa, lịch sự, tôn nghiêm. Đến nay không có những trường hợp ăn mặc quần áo hở hang vào lễ bái tại khu di tích.
Theo quan sát của phóng viên, nếu như đầu năm 2018 tại các gốc cây, nơi hóa vàng vẫn còn gạo muối rắc trắng xóa, thì năm nay hiện tượng này tại di tích Bia Bà đã không còn. Người dân đi lễ trong trật tự, hạn chế để tiền lẻ trên các đĩa mà bỏ vào hòm công đức.
Không còn muối gạo rắc tràn lan trên gốc cây. |
Về phía phường, ông Quảng Xuân Phú - Phó Chủ tịch UBND phường La Khê chia sẻ: Ngoài việc đảm bảo tôn nghiêm nơi thờ tự, lễ hội Bia Bà còn được phường, quận đặc biệt quan tâm kiểm tra, kiểm soát các quán ăn nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở xung quanh khi vực di tích. Đồng thời cử các lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ; phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch bệnh cho người dân và du khách đến tham quan, đi lễ.
Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, đến nay lễ hội Bia Bà không còn cảnh chen lấn khi đi lễ; không còn vứt tiền lẻ lộn xộn trên ban thờ; không có người mặc váy ngắn vào lễ và không còn muối gạo phủ trắng gốc cây. "Đây là kết quả này là một quá trình dài, liên tục và kiên quyết mới làm cho người dân thay đổi ý thức. Nếu như mọi di tích đều làm được như vậy, thì văn hóa nơi thờ tự được đề cao" - Phó Chủ tịch UBND phường La Khê nói.