Sau nhiều lần đốc thúc, Cục Văn hóa cơ sở cho hay, nếu không đáp ứng được các nội dung yêu cầu phải đổi mới ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Bộ VHTT&DL sẽ yêu cầu Hải Phòng tạm dừng tổ chức lễ hội này.
Kiên quyết không bán vé
Tại công văn gần nhất vào ngày 17/5, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã yêu cầu địa phương khẩn trương báo cáo công tác triển khai xây dựng đề án và gửi về Cục trước ngày 30/5.
Sau tai nạn hi hữu tháng 7 năm ngoái, Bộ VHTT&DL đã phải tổ chức tọa đàm về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Kết luận tọa đàm, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ đạo Hải Phòng đến hết tháng 3 năm nay phải trình Bộ phương án đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018.
Nhưng cho đến cuối tháng 5, Cục này vẫn chưa nhận được đề án đổi mới công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. “Do đó, Bộ VHTT&DL cũng chưa nắm được Hải Phòng có tuân thủ đúng chỉ đạo của Bộ VHTTDL hay không”, bà Hương cho biết.
Sau nhiều biến cố, đề án đổi mới công tác tổ chức đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đang được dư luận rất quan tâm. Theo lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTT&DL luôn sát sao chỉ đạo Hải Phòng tăng cường các phương án đảm bảo an ninh, an toàn; kiểm soát việc sử dụng chất kích thích trước khi đưa trâu ra chọi. Bộ cũng yêu cầu Hải Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về ý nghĩa, nguồn gốc và giá trị của lễ hội cũng như thực hiện các quy định về nếp sống văn minh...
Khắc phục những yếu tố, biểu hiện thương mại hóa cũng là nội dung được lãnh đạo Bộ VHTT&DL chỉ đạo quyết liệt đối với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Năm ngoái, Đồ Sơn vẫn còn bán vé vào lễ hội, số lượng cặp trâu thi đấu nhiều... Nhưng năm nay Bộ sẽ kiên quyết chấn chỉnh, yêu cầu không tổ chức bán vé, điều chỉnh quy mô tổ chức, giảm số lượng trâu tham gia theo hướng mỗi phường một cặp trâu chọi; không tổ chức vòng đấu loại, thay vào đó chỉ tổ chức 01 vòng thi chọi duy nhất vào ngày chính hội (9.8 âm lịch)…
“Mùa lễ hội 2018, Bộ đã kiên quyết chỉ đạo hai lễ hội chọi trâu ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Phù Ninh (Phú Thọ) không được bán vé vào lễ hội thì không có lý do nào mà Đồ Sơn lại không thực hiện. Việc không được tổ chức bán vé vào lễ hội đã được quy định tại các văn bản pháp lý là Nghị định 28/2017/NĐ-CP, Thông tư 15/2015/TT-BVHTTDL ...”, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Bộ sẽ “tuýt còi” nếu không đổi mới
Sau khi đề án đổi mới được Hải Phòng trình lên Bộ, sẽ còn nhiều công việc tiếp theophải triển khai như thẩm định, chỉnh sửa, hoàn thiện đề án. Vì thế, theo cơ quan tham mưu là Cục Văn hóa cơ sở, nếu tiếp tục chậm, Cục sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ yêu cầu UBND TP. Hải Phòng phải thực hiện các nội dung đổi mới này khi tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2018. Nếu không đổi mới, sẽ đề nghị dừng tổ chức.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy (Trưởng Phòng Quản lý hoạt động lễ hội) , Cục đã có công văn, gọi điện đốc thúc địa phương sớm hoàn thiện đề án. Tuy nhiên, phía Hải Phòng mới chỉ báo cáo về tình hình, tiến độ xây dựng, trong khi nội dung chính thức của đề án thì đã quá hạn khá lâu vẫn chưa thấy trình lên. “Trong công văn gần đây nhất do Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương ký ngày 17.5 gửi Sở VH&TT Hải Phòng, Cục đã yêu cầu địa phương khẩn trương báo cáo về công tác triển khai xây dựng đề án và gửi về Cục trước ngày 30.5.2018. Nhưng đề án vẫn chưa thấy đâu”, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ VHTT&DL và UBND TP. Hải Phòng về việc khẩn trương hoàn thiện đề án, cho đến ngày 30/3, Sở VH&TT Hải Phòng mới gửi báo cáo về tiến độ thực hiện đến Bộ VHTTDL, Cục Văn hóa cơ sở. Theo đó, Sở VH&TT Hải Phòng đã phối hợp, hướng dẫn UBND Quận Đồ Sơn xây dựng và hoàn thiện đề án. UBND Quận Đồ Sơn cũng đã mời một đơn vị tư vấn xây dựng đề án. Sau khi tham khảo ý kiến của các cấp, ngành và đơn vị liên quan, đề án tiếp tục được UBND Quận và đơn vị tư vấn chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình UBND TP. Hải Phòng xem xét, trình Bộ VHTTDL thẩm định và phê duyệt.
Liên quan đến việc đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, lãnh đạo Bộ VHTT&DL cũng đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, Bộ lưu ý việc điều chỉnh hình thức, quy mô tổ chức lễ hội phải tôn vinh, bám sát giá trị tốt đẹp của lễ hội theo hồ sơ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với quan điểm kiên quyết chấn chỉnh những vấn đề khiến dư luận bức xúc, kiểm soát và khắc phục các biểu hiện mang tính chất thương mại hóa như bán thịt trâu chọi, bán vé vào lễ hội..., Bộ VHTT&DL đặc biệt yêu cầu địa phương cần chấn chỉnh, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong lễ hội. Nếu không đảm bảo an toàn, Bộ sẽ chỉ đạo dừng tổ chức.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cho đến thời điểm này, sự quyết liệt mới chỉ được bộc lộ từ phía Bộ VHTT&DL. Còn chủ nhân sở hữu di sản thì dù đã nhiều lần được đốc thúc nhưng vẫn chưa thấy có nhiều rục rịch. Phải chăng, các nội dung được yêu cầu phải đổi mới trong đề án đã khiến Hải Phòng phải “nâng lên đặt xuống”? Hay cụ thể hơn là việc phải cắt giảm các yếu tố có khả năng bù đắp chi trả kinh phí cho công tác tổ chức cũng khiến cho địa phương đang gặp nhiều lấn cấn?