Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Vẫn muốn được thu phí!

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã có văn bản yêu cầu UBND thành phố Hải Phòng, thực hiện nghiêm túc quy định không bán vé thu tiền vào lễ hội chọi trâu như mọi năm, bên cạnh đó có biện pháp, cách thức huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ lễ hội đảm bảo an toàn hiệu quả.

 
Gần đây nhất, tại Dự thảo đề án lần thứ 6 của UBND quận Đồ Sơn có đề nghị, vẫn muốn được thu phí lễ hội như trước đó. Đề án cho rằng, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng được khôi phục từ năm 1990 đến nay, ngoài việc mở rộng về quy mô còn có sự thay đổi theo thời gian cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của thời kỳ mới. Lễ hội đang trở thành một hoạt động có sức lôi cuốn mạnh mẽ thu hút đông đảo du khách. Trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Và theo quy định thì kinh phí hoạt động cho lễ hội không lấy từ ngân sách nhà nước mà được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Trong quá khứ, lễ hội này chính là sự đóng góp từ cộng đồng nên việc tự do tham gia vào các hoạt động lễ hội là quyền của mỗi thành viên. Hiện tại việc bán vé đã diễn ra hàng chục năm nay, được cộng đồng và du khách chấp nhận như một dịch vụ có thu phí, thay vì đóng góp như xưa thì với thực tiễn mới này cần được nhìn nhận phần thu phí là loại hình dịch vụ có thu. Hơn thế việc bán vé cần được coi như một giải pháp quản lý nếu để tự do vào cửa sẽ dẫn tới quá tải, mất kiểm soát. Nên việc bán vé là phương án khả thi để đảm bảo an toàn, kiểm soát đám đông hiệu quả, tránh tâm lý tranh đua giữa nhóm được vào và không được vào.

Việc tiếp tục duy trì mô hình tài chính là sự đồng thuận của ngưởi dân, và hiệu quả thực tiễn của nguồn thu này nếu huy động từ dân là không khả thi. Theo Điểm 4, Điều 9, tại Thông tư số 15/2015/TT – BVHTTDL ngày 22/12/2015 quy định “trong khu vực di tích, lễ hội nếu có tổ chức các trò chơi, trò diễn, biểu diễn nghệ thuật trưng bày thì được bán vé cho các hoạt động dịch vụ đó theo quy định của pháp luật”.

Theo ý kiến của nhiều người, trâu hiện nay là thuộc sở hữu của chủ trâu chứ không phải do đóng góp của cộng đồng, nên việc quyên góp của cộng đồng để chung mua trâu và chăm sóc trâu cũng rất khó khả thi trong thời điểm hiện tại. Việc đầu tư mua trâu, bỏ công sức và tiền của vào chăm sóc trâu chọi chủ yếu là do họ tâm huyết với lễ hội và với di sản văn hóa địa phương; thực tế, các khoản thu về sau khi chọi trâu không đáng kể. Các chủ trâu coi đây như là một khoản công đức cung tiến cho lễ hội chứ không thu lợi về mặt kinh tế.