Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội chùa Hương 2024: Công khai giá vé vào cửa, xe điện, xuồng đò

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 24/1, UBND TP Hà Nội có văn bản số 255/UBND -KGVX về công tác quản lý và tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024.

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn hằng năm thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế tham dự và hành hương.

UBND TP Hà Nội đề nghị huyện Mỹ Đức thông tin đầy đủ việc tổ chức trông giữ phương tiện, công khai, minh bạch về giá vé vào cửa, xe điện, xuồng đò, cáp treo, dịch vụ ăn uống. Ảnh: Lại Tấn
UBND TP Hà Nội đề nghị huyện Mỹ Đức thông tin đầy đủ việc tổ chức trông giữ phương tiện, công khai, minh bạch về giá vé vào cửa, xe điện, xuồng đò, cáp treo, dịch vụ ăn uống. Ảnh: Lại Tấn

Để chủ động quản lý và tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 đảm bảo an toàn, văn minh, lành mạnh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, khắc phục các tồn tại hạn chế năm 2023, UBND TP Hà Nội giao UBND huyện Mỹ Đức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 03-CT/TU ngày 12/1/2016 về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP; chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP tại Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 27/12/2023 về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn TP Hà Nội; chỉ đạo của UBND TP tại Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 15/1/2024 về công tác tổ chức lễ hội năm 2024, Văn bản số 4367/UBND- KGVX ngày 25/12/2023 về tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn TP năm 2024.

Bên cạnh đó, thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024, phân công lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể về tổ chức Lễ hội. Kịp thời đề xuất báo cáo UBND TP chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền (nếu có) trước, trong và sau tổ chức lễ hội.

Đẩy mạnh công tác truyền thông về tổ chức lễ hội năm 2024 với nhiều hình thức đa dạng. Thông tin đầy đủ việc tổ chức trông giữ phương tiện, công khai, minh bạch về giá vé vào cửa, xe điện, xuồng đò, cáp treo, dịch vụ ăn uống; niêm yết số điện thoại đường dây nóng, thông tin cần trợ giúp, các điểm ứng trực y tế, cứu hộ cứu nạn để người dân biết, liên hệ khi cần thiết.

Tổ chức tập huấn cho người dân địa phương về kỹ năng ứng xử, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về lễ hội đến du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là người trực tiếp phục vụ du khách như lái xe điện, xuồng đò, chủ và người phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại lễ hội...

Từng bước đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, thực hiện bán 100% vé điện tử, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt.

Phối hợp Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại, Sở Công Thương tổ chức các gian hàng thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương phục vụ du khách trẩy hội đảm bảo đúng quy định.

Sở VH&TT Hà Nội hướng dẫn UBND huyện Mỹ Đức thực hiện đúng các quy định của T.Ư và TP trong công tác tổ chức lễ hội.

Duy trì chế độ kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động lễ hội, bảo đảm thiết thực, an toàn, hiệu quả, lành mạnh, phù hợp với thuần phong, mỹ tục, phong tục, tập quán của người dân. Phối hợp với cơ quan chức năng và UBND huyện Mỹ Đức ngăn chặn kịp thời các tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động cờ bạc, mê tín dị đoan, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh và các vi phạm pháp luật khác làm ảnh hưởng đến Lễ hội, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền…