Lễ hội chùa Keo mùa thu 2023 nhiều nghi thức đậm đà sắc thái dân tộc

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối ngày 24/10, tại di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) đã diễn ra khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu 2023 đã được tổ chức với quy mô hoành tráng nhiều nghi thức phong phú, đậm đà sắc thái dân tộc.

Lễ hội chùa Keo được duy trì đều đặn khai mở vào trung tuần tháng 9 âm lịch hằng năm, để tưởng nhớ công đức to lớn của Quốc sư Dương Không Lộ, vương triều Nhà Lý và những người có công xây dựng chùa Keo.  

Lễ hội chùa Keo mùa thu 2023 sẽ được tổ chức trong 6 ngày. Ảnh Khánh Linh
Lễ hội chùa Keo mùa thu 2023 sẽ được tổ chức trong 6 ngày. Ảnh Khánh Linh

Tương truyền chùa Keo do Thiền sư Dương Không Lộ xây dựng từ năm 1061. Năm 1611, do ảnh hưởng của trận đại hồng thủy, chùa bị cuốn trôi nên được xây dựng lại và hoàn thành năm 1632. Chùa có hai cụm kiến trúc: Chùa là nơi thờ Phật và đền là nơi thờ Đức thánh Dương Không Lộ... Năm 1962, chùa được xếp hạng là Di tích Quốc gia; năm 2012 là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đến năm 2017, lễ hội chùa Keo được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021, hương án chùa Keo được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phạm Công Diện – Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư, nói: "Chùa Keo, ngoài lễ hội ngày mùng 4 tháng Giêng (ÂL), thì lễ hội mùa thu là lễ hội chính. Qua đây, chúng tôi cũng mong muốn giới thiệu lễ hội riêng ở Thái Bình, cũng là để giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương đến các du khách và phật tử gần xa..."

Lễ hội chùa Keo mùa thu 2023 sẽ được tổ chức trong 6 ngày, bắt đầu khai mạc tối ngày 24/10 tại quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Keo.

Lễ hội năm 2023 có nhiều khác biệt so với các năm trước. Ảnh Khánh Linh
Lễ hội năm 2023 có nhiều khác biệt so với các năm trước. Ảnh Khánh Linh

Trong 6 ngày diễn ra lễ hội cũng đồng thời là 6 ngày diễn ra các hoạt động mua bán, quảng bá sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng đến từ các địa phương tham gia hội chợ.

Tại sân Ban Quản lý di tích chùa Keo, dự kiến bày trí, sắp xếp 23 gian hàng để các đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; 7 huyện, thành phố trong tỉnh Thái Bình và huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên (mỗi đơn vị 2 gian hàng). Ngoài ra, có 3 gian hàng sản phẩm OCOP dành cho các tỉnh bạn và 1 gian hàng của Ban Quản lý di tích chùa Keo”, ông Thạch thông tin thêm.

Lễ hội hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Khánh Linh
Lễ hội hứa hẹn nhiều chương trình đặc sắc. Ảnh Khánh Linh

Sau lễ dâng hương, từ sáng ngày 13, 14, 15 (ÂL) sẽ diễn ra các lễ rước kiệu Đức Thánh. Ngoài ra còn có các hoạt động trò chơi dân gian như: thi bắt vịt, hát giao duyên, kéo lửa thổi cơm thi...

Ông Cao Vũ Thạch, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vũ Thư cho biết “tại lễ hội còn có hội chợ quảng bá sản phẩm OCOP trong khuôn khổ lễ hội chùa Keo nhằm tạo sự gắn kết giữa các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch của huyện Vũ Thư, giữa các huyện trong tỉnh và tỉnh bạn. Tại các lễ hội trước đây chỉ có 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, năm nay huyện quyết định tổ chức kết hợp giữa lễ hội và hội chợ mời các đơn vị, địa phương khác. Các công việc chuẩn bị cho lễ hội và hội chợ đang được các thành viên tiểu ban tổ chức gấp rút triển khai, kỳ vọng sẽ mang lại thành công, khác biệt, góp phần nâng tầm quy mô, giá trị của lễ hội chùa Keo mùa Thu”, ông Thạch cho biết.

Gần 400 năm đã qua, mặc dù phải chịu nhiều tác động của thiên tai, địch họa, chùa Keo đã nhiều lần được tu bổ, tôn tạo, phục dựng, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc kiến trúc độc đáo từ thời Lê trung hưng thế kỷ XVII, vẫn hiển hiện uy linh, cùng với sự trường tồn của Phật giáo và dân tộc. Đây là điểm du lịch tâm linh, phong phú hấp dẫn của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, biểu tượng văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Bình.