Lễ hội chưa vào mùa đã “nóng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phải gần một tuần nữa, tiếng trống hội mới bắt đầu vang dội trên Quảng trường...

Kinhtedothi - Mặc dù phải gần một tuần nữa, tiếng trống hội mới bắt đầu vang dội trên Quảng trường gò Đống Đa - hội Đống Đa, khuôn viên Thiên Trù - hội chùa Hương, hay núi Yên Tử linh thiêng - hội Yên Tử..., nhưng những đơn vị chịu trách nhiệm khâu tổ chức lễ hội gần như không có thời gian lo Tết.

Bởi vì, rất nhiều kịch bản đã được xây dựng để lường trước những hạn chế có thể xảy ra trong lễ hội.

Hội lớn lo khắc phục

Ngày mùng 6 tháng Giêng, chùa Hương khai hội. Từ ngày mùng 2 Tết, trên dòng suối Yến xuôi về Thiên Trù đã có vài trăm chuyến đò chở hàng vạn du khách hành hương về đất Phật. Trả lời cho câu hỏi: Vào mùa hội mới liệu suối Yến có xảy ra tình trạng nghẽn đò, chủ đò có còn vòi tiền, chèo kéo như mọi năm, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết: “Năm nay, Ban tổ chức bố trí gần 4.400 chiếc với đầy đủ phao cứu sinh. Gần 8.800 người lái đò là bà con ở khu vực xung quanh, hàng năm đều được tập huấn để có sự hiểu biết và chấp hành luật giao thông đường thủy”.
Hội đền Gióng.  	Ảnh: Văn Phúc
Hội đền Gióng. Ảnh: Văn Phúc
Ngoài ra, thành viên Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương công khai toàn bộ số điện thoại để sẵn sàng nghe phản ánh của người dân. Tuy nhiên, mọi nỗ lực tổ chức lễ hội ở chùa Hương chỉ có thể hy vọng sẽ tốt hơn năm ngoái, rất khó để khẳng định sẽ khắc phục được phần nhiều những hạn chế. Bởi vì, khi câu chuyện độc quyền thầu đò của người dân thôn Yến Vỹ vẫn còn đó. Và, để mùa lễ hội diễn ra trật tự, văn minh, những kiến nghị của UBND huyện Mỹ Đức như: Miễn phí vé thắng cảnh trong 3 ngày đầu năm mới, tăng cường thêm 3.000 phao cứu sinh cho các thuyền đò, đưa tuyến buýt có trợ giá Yên Nghĩa - Tế Tiêu vào hoạt động…, đã được UBND TP Hà Nội lắng nghe và giải quyết.

Không kéo dài gần 3 tháng như Lễ hội chùa Hương, điểm nhấn của Lễ hội đền Trần (Nam Định) là trong 2 ngày 14 và 15 tháng Giêng. 3 năm nay, Lễ hội phát ấn theo phương án của Bộ VHTT&DL; nhưng vấn đề phát ấn và nhu cầu nhận ấn của du khách trong lễ hội nơi đây chưa bao giờ hết “nóng”. Xuân Bính Thân, Lễ hội ra vào 2 ngày cuối tuần nên dự kiến lượng khách tham dự sẽ tăng cao hơn so với năm ngoái. Ban tổ chức dự kiến sẽ phát ấn cho Nhân dân và du khách thập phương từ 5 giờ 30 phút ngày 15 tháng Giêng (tức ngày 22/2). Nghĩa là giờ phát ấn năm nay được tiến hành sớm hơn 2 tiếng so với mọi năm. Không khẳng định số lượng ấn sẽ được phát ra vì điều này còn tùy thuộc vào sức khỏe của các cụ nhà đền, song ông Nguyễn Xuân Hoạt - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội đền Trần khẳng định: “Không thiếu ấn cho du khách và Nhân dân. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để khắc phục các tình trạng còn tồn tại trong lễ hội năm ngoái”.

Bên cạnh lễ hội đền Trần, lễ hội chùa Hương, các lễ hội khác như: Lễ hội Lim (Bắc Ninh), Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)… đều đã được các cơ quan quản lý văn hóa tăng cường thanh tra, kiểm tra yêu cầu đưa ra phương án khắc phục hạn chế đã từng xảy ra. “Chúng tôi tổ chức hàng chục đoàn thanh tra trước mùa lễ hội để nhắc nhở các đơn vị tổ chức giữ gìn VSMT, đặt hòm công đức đúng nơi quy định, hạn chế tình trạng đốt vàng mã… Nhắc nhở, tuyên truyền đã nhiều năm, hy vọng năm nay du khách đi hội và đơn vị quản lý thấu hiểu, giảm tránh tình trạng phản cảm nơi hội hè” - ông Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL chia sẻ.

Hội làng mong mãi bình yên

Nếu như không có lễ hội chém lợn, làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) đã không được “nổi tiếng” như bây giờ. Khi các tổ chức bảo vệ động vật đua nhau lên tiếng, báo chí đổ xô phê phán, phản ánh, tên làng Ném Thượng được cả nước nhắc đến. Trái ngược tiếng tăm từ một lễ hội, về Ném Thượng, cuộc sống của ngôi làng nhỏ bé nằm ngoại ô TP Bắc Ninh vẫn hiền hòa và bình yên. Ông Nguyễn Văn Tính - bậc cao niên của làng Ném Thượng chia sẻ: “Chỉ có thể sinh sống ở đây, quý vị mới hiểu người dân chờ hội làng như thế nào. Mỗi ngày vào hội, khi “ông ỉn” rước vòng quanh làng, nhà nhà nô nức ra cổng đứng, công đức từng đồng lẻ góp công cho gia đình đồng niên nuôi lợn làm hội năm đó. Con cháu làm ăn phương xa chỉ mong ngày mùng 6 tháng Giêng diễn ra hội làng, về tề tựu với gia đình”. Với họ, những hình ảnh phản cảm như nhúng tiền vào máu lợn để lấy may mắn, chen lấn trèo tường đều của những kẻ hiếu kỳ ngoài làng. “Dân làng tôi từ trước đến nay đâu có thói quen ấy. Chúng tôi không có nhu cầu mở rộng lễ hội, thu hút nhiều du khách mà mong lễ hội chém lợn mãi là hội của làng” - ông Tính cho biết.

Vậy mới nói, để bức tranh tổ chức và quản lý lễ hội ngày càng đẹp hơn không chỉ phụ thuộc vào công tác hậu cần lễ hội mà cả còn ở cả ý thức của người đi hội. Nếu nhiều đơn vị tổ chức không có tư duy trục lợi từ lễ hội, du khách đi hội giảm thiểu tâm lý chen lấn xô đẩy, chắc chắn mùa lễ hội sẽ không bao giờ còn “nóng”.