Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội đền Cương Quốc Công Nguyễn Xí - 2019

Bài, ảnh: Giao hưởng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Lễ hội đền thờ Nguyễn Xí (tên chữ “Đền Cương quốc Công Từ), thuộc làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, Nghệ An được diễn ra trong 2 ngày từ 29 tháng Giêng đến 1 tháng Hai năm Kỷ Hợi (nhằm 5-6/3/2019).

Có thể nói giai đoạn đầu Lễ hội mang dấu ấn văn hóa dòng họ, hàng trăm năm sau trong quá trình giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa dòng họ (đóng vai trò hạt nhân), với văn hóa cộng đồng làng-xã-vùng-miền, đến đầu thế kỷ 21 Lễ hội đền Nguyễn Xí phát triển thành một Lễ hội mang màu sắc văn hóa vùng, miền xứ Nghệ.
 Đông đảo du khách về dự lễ hội đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí năm 2019.
Danh tướng Nguyễn Xí cống hiến trọn đời vì sự nghiệp chống xâm lăng, xây dựng bảo vệ vững chắc nền độc lập tự chủ của quốc gia Đại Việt ở thế kỷ 15. Trong suốt lịch sử mấy ngàn năm giữ nước của dân tộc, ông là vị công thần duy nhất được tôn vinh “người 2 lần khai quốc”. Đền Nguyễn Xí được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1990. Với 550 năm thăng trầm lịch sử, di tích Đền thờ Nguyễn Xí hầu như vẫn nguyên kiến trúc cổ kính, vẫn giữ được khuôn viên thoáng đãng tuyệt đẹp, âu là hiếm thấy trên vùng đất xứ Nghệ.
 Quang cảnh bên ngoài đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí 
Dưới cờ nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi làm chủ soái, danh tướng Nguyễn Xí (1397-1465) là một trong 40 công thần khai quốc, ông từng 10 năm nếm mật nằm gai, ông cùng anh trai là tướng Nguyễn Biện (Sinh năm 1394, hy sinh ngày 27/8 Âm lịch năm Quý Mão-1423 trên trận tuyến Tây Đô, Thanh Hóa), hai anh em xông pha trận mạc, đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh, giải phóng đất nước thoát khỏi 20 năm dưới ách đô hộ bạo tàn của chúng. Tư tưởng “trung quân ái quốc” là lý tưởng thẩm mỹ của thời đại ông, trong 33 năm giai đoạn đầu của triều Hậu Lê, ông liên tục là trụ cột nhiếp chính 4 đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông. Một cuộc đời mà phò 4 đời vua quả là hi hữu, thế nên sau khi ông mất người xưa làm câu đối khóc rằng: Nhiếp chính tạm thời lo việc nước/Phù Lê một dạ tỏ lòng trung.
 Khung cảnh Đền thờ trước giờ khai Lễ
Tộc phả họ Nguyễn Đình xã Nghi Hợp-Nghi Lộc-Nghệ An, do Hội đồng gia tộc tái bản năm 1993, ghi: Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí sinh năm Đinh Sửu (1397) tại làng Thượng Xá, nay là xã Nghi Hợp, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Lớn lên ông theo Thái tổ Cao Hoàng Đế khởi nghĩa Lam Sơn, cùng người anh tên là Nguyễn Biện vượt núi băng sông, mũ rơm tên đá, lập nên công to đại định. Năm Quý Sửu (1433) niên hiệu Thuận Thiên thứ 6, Thái tổ Cao Hoàng Đế lúc sắp mất để di chiếu giao cho ông trách nhiệm phụ nhiếp chính. Ông đã trải qua 4 đời Vua triều Hậu Lê, cùng xây dựng nền thái bình cho đất nước.
 

Năm Kỷ Mão (1459) Lê Đức Hầu tức Lê Nghi Dân (1439-1460) làm phản. Lúc này tướng Nguyễn Xí đã nghỉ việc quân, lui về sống tại tư dinh trong kinh thành Thăng Long. Không thể khoanh tay đứng nhìn cơ nghiệp nhà Hậu Lê ngàn cân treo sợi tóc, hưu tướng Nguyễn Xí nghĩ mưu bày trận, bất thình lình xướng đại nghĩa bắt gọn toàn bộ bè lũ phản loạn. Quốc gia được trung hưng là nhờ có sức mạnh xoay trời, lật đất của cuộc phản đảo chính do tướng Nguyễn Xí chỉ huy. Ông trở thành đệ nhất công thần triều Lê Thánh Tông.
 

Năm 1462 Lê Thánh Tông có bài Chế ca ngợi ông (trích): “Xét Nguyễn Xí đây khí độ trầm hùng, tính người cương đại...Ra vào hết chức phận tướng văn tướng võ. Trước sau giữ trọn tiết làm tôi, làm con. Giữ mình có đạo, hồn nhiên như ngọc chẳng khoe tươi. Nghiêm mặt ở triều lẫm liệt như thanh gươm mới tuốt. Các quan đều ngưỡng mộ phong thái. Bốn biển đều ngưỡng vọng uy thanh...” Vua còn tặng ông đôi câu đối: Bình Ngô khai quốc Tịnh nạn trung hưng…”
 Lễ đại tế của đoàn con cháu hậu duệ Đại chi V, mở đầu chương trình Lễ đại tế của 15 đoàn-15 Đại chi trực hệ .   

Với công lao to lớn của ông, nhà vua tiến phong là Khai quốc Suy Trung Dương Võ Minh Nghĩa… và nhều phẩm hàm khác, các phẩm trật bổng lộcVua dành tặng ông đều đạt tới tột đỉnh vinh quang. Ông là người cứng rắn mà sáng suốt, dũng cảm mà nghĩa khí, gặp lúc hữu sự có thể dứt tình thân để đặt lợi ích của thiên hạ lên trên. Lúc ông lâm bệnh nặng, ông được vua sai đại thần đem 1000 quan tiền đến biếu để thuốc thang và vua liên tục gửi lời thăm hỏi.

Ông mất giờ Thân ngày 30 tháng 10 Âm lịch năm Ất Dậu (1465) tại Thăng Long, hưởng thọ 69 tuổi. Nghe tin ông mất, vua Lê Thánh Tông buồn than "Từ khi khai quốc đến nay chẳng ai được như ngươi", vua bỏ triều 3 ngày không ngự, ban nhiều tặng vật, cấp mọi thứ nghi trang tế lễ, 100 quan tiền, và sai quan hữu ty lo liệu mọi việc, nhà vua còn tặng ông danh hiệu Thái sư Cương Quốc Công đặc ân khai quốc. Từ xưa đến nay người làm bề tôi mà lúc sống được phong, khi chết được tặng, văn ngợi ca vinh quang không dứt, thật không ai sánh nổi với ông.
 
Một ngày trước khi phát dẫn, các quan đại thần đều hội nhau làm lễ và đến ngày 13 tháng 12 năm Bính Tuất (1466) thì an táng ông tại quê nhà huyện Chân Phúc (tên gọi xưa của huyện Nghi Lộc), vốn là đất “thiên trụ” trước đó cũng đã táng thân phụ của ông, rồi vợ ông là Quốc phu nhân Ngọc Lân. Ông có 16 người con trai, 8 người con gái.
Năm Đinh Hợi (1467) dịp kỵ đại tường ông, vua Lê Thánh Tông ban 1000 quan tiền đem về lập dựng đền thờ tại quê xã Thượng Xá, theo chế độ “quốc tế, quốc tạo” (nhà nước lập dựng, nhà nước cúng tế). Sai Trạng nguyên Nguyễn Trực soạn văn khắc vào 3 tấm bia đá Thái sư Cương Quốc Công Di huấn; Thái sư Cương Quốc Công bi ký; Tự điền cận hiệu tịnh miếu quy chế.
Đền thờ Thánh tổ Nguyễn Xí về quy mô kiến trúc và quy mô tâm linh, đều vào hàng bậc nhất trên đất Nghệ. Quy mô ngôi đền buổi đầu xây dựng gồm các công trình: Khu vực Hoa biểu gồm có Tứ trụ và Bảng hổ, Hồ bán nguyệt, Cầu vồng. Tam quan gồm Nghi môn, chính môn, hữu môn. Hai cột “Thiên trụ đại đăng ngũ sắc”. Khu chính điện gồm Hạ điện, gác chuông, gác khánh, tả vu, hữu vu, trung điện, thượng điện. Đặc biệt tại khu chính điện vẫn còn bảo quản lưu giữ nhiều hiện vật giá trị như bia đá, kiệu rồng, bức cuốn thư sơn son thiếp vàng, tượng hổ sư bằng gỗ mít, chuông đồng…

Để tưởng nhớ, tôn vinh, ngưỡng vọng vị danh tướng danh thần kiệt xuất của dân tộc, vị Thánh Tổ của một trong những dòng họ sớm có mặt từ buổi đầu khai ấp lập làng nơi miền duyên hải, dần phát triển ra khắp xứ Nghệ, hàng năm các thế hệ con cháu của Cương Quốc Công tổ chức Lễ hội ngay tại khu vực đền.
Lễ hội đền Nguyễn Xí gắn với quần thể di tích, có thể nói, giai đoạn đầu Lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa dòng họ, về sau trong quá trình hàng trăm năm giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa dòng họ (đóng vai trò hạt nhân), với văn hóa cộng đồng làng-xã- vùng-miền, đến đầu thế kỷ 21 Lễ hội đền Nguyễn Xí đã phát triển thành một Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng, miền xứ Nghệ.
Về đền “Cương quốc Công Từ” dự Lễ hội, đọc những dòng do tiền nhân viết khắc lên bia đá, in trong sử sách, lớp lớp người đời càng hiểu rõ công lao trời biển của người “hai lần khai quốc”, càng cảm nhận rõ Lễ hội đền Nguyễn Xí là một thông điệp mang giá trị lịch sử to lớn. Đó là: Yêu nước thương nòi là truyền thống của người Việt. Yêu nước sẵn sàng xả thân cứu nước đã thành lẽ sống của người Việt.

Phần Lễ gồm Lễ rước Cương Quốc Công Nguyễn Xí, Lễ yết cáo, Lễ đại tế, Lễ dâng hương, dâng hoa…được tiến hành trong khu vực Đền thờ và ngoài Khu lăng mộ Ngài. Buổi sáng khai mạc Lễ hội với sự tham dự của đại diện chính quyền tỉnh, huyện, xã, đại diện các cơ quan quân sự Quân khu, tỉnh đội, huyện đội…
Lễ khai mạc được tổ chức tại sân tòa Trung điện rất trang trọng, uy nghiêm. Xưa nay Lễ đại tế của con cháu hậu duệ 15 Đại chi-15 người con trai của Cương Quốc Công, là phần Lễ quan trọng nhất. Năm nay Lễ đại tế tiến hành lúc 10h ngày 29 tháng Giêng, Kỷ Hợi, riêng đoàn Đại Chi V-Nhà thờ Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài là đoàn khởi đầu Lễ đại tế, Lễ dâng hương đã có gần 1000 con cháu hậu duệ tham gia.
Phần Hội được Ban tổ chức đưa vào hoạt động chính như các trò chơi dân gian, thư pháp “cho chữ”, hội trống, chọi gà, thi cắm trại giữa các xóm dân cư thuộc xã Nghi Hợp, thi thể thao bóng chuyền, thi văn nghệ giữa các xã cận kề…, diễn ra tại khu vực “vành đai 3” và tại sân vận động rộng nhiều ngàn m2 ngay sát bờ rào bao của Khu Di tích.
Làng Thượng Xá xưa được người đời xem là đất “thiên trụ” của xứ Nghệ, đất này được bao bọc bởi danh thắng Kiếm Sơn (núi Kiếm), Tượng Sơn( núi Voi), Kỳ Sơn (núi Cờ). Lãnh đạo xã Nghi Hợp cho biết, hiện gần 80% cư dân của xã là con cháu họ Nguyễn Đình. Chúng tôi tìm hiểu mà chưa gặp làng cổ nào của xứ Nghệ hội tụ nhiều Di tích lịch sử quốc gia như làng Thượng Xá.
Lấy tâm điểm là vị trí đền thờ Cương Quốc Công Nguyễn Xí, ta kẻ một vòng tròn bán kính chừng 1,5 km, vòng tròn ấy dù chưa trùm hết được phần đất của làng Thượng Xá ngày xưa, vậy mà đã gặp một “xêri” dày đặc các công trình kiến trúc lịch sử thuộc dòng họ Nguyễn Đình-Thượng Xá, trong đó nhiều công trình được cấp bằng Di tích lịch sử quốc gia, gồm: Khu Lăng mộ cụ Nguyễn Hội (thân phụ Đức tổ Nguyễn Xí), Lăng mộ Thái sư Nguyễn Xí, Nhà bia dũng tướng Thái phó Nguyễn Biện (anh trai Thái sư Nguyễn Xí) hy sinh năm 1423 trong kháng chiến chống gặc Minh, với truyền tích cánh đồng Lầm là nơi thiên táng cụ Nguyễn Hội-thủy Tổ dòng họ Nguyễn Đình, Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1990; Đền thờ và lăng mộ Thái úy Nguyễn Sư Hồi (con trưởng Thái sư) Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1991; Đền thờ và Lăng mộ Thái bảo Thượng trụ quốc Nguyễn Kế Sài (con trai thứ 5 của Thái sư), Di tích Lịch sử Quốc gia 2013; Đền thờ và Lăng mộ Phó tướng Nguyễn Kế Hưng (1534-1602) di tích LS quốc gia năm 2018. Phó tướng Kế Hưng là cháu đời thứ 5 của Thái sư Nguyễn Xí, cháu đời thứ 4 của Thái bảo Nguyễn Kế Sài; Đền thờ và Lăng mộ Phó tướng Nguyễn Đình Đắc (1755-1811) di tích LS cấp tỉnh, là cháu đời 12 của Thái sư Nguyễn Xí, cháu đời 11 của Thái bảo Nguyễn Kế Sài. Phó tướng Đắc là công thần khai quốc Nhà Nguyễn, được Vua Gia Long vinh phong Thái bảo Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc.
Trên đất Thượng Xá “thiên trụ” này còn hiện hữu nhiều Nhà thờ Đại chi, Trung chi…đều là hậu duệ các đời của Đức Tổ Nguyễn Xí.
Giữa bức tranh rộng lớn nhưng vô cùng phức tạp của các triều đại phong kiến Việt Nam trước và sau thế kỷ 15, lịch sử dân tộc hiện lên chân dung-cuộc đời-sự nghiệp chói sáng của Danh tướng Nguyễn Xí, đúng như tên khai sinh của ông. Chữ “Xí”, chiết tự Hán Nôm nghĩa là “ngọn lửa rực sáng”. Trên thực tế từ 622 năm trước, mảnh đất địa linh làng Thượng Xá đã sinh ra một người con kiệt xuất- nhân vật duy nhất “hai lần khai quốc” như lịch sử dân tộc vinh danh.
Xin chép lại đôi câu đối của minh vương Lê Thánh Tông viết dịp lập dựng Đền thờ Cương quốc công tại quê nhà năm 1467, để thay cho lời kết: Hà nhật tinh thiên thu chính khí/Phụ tử huynh đệ vạn cổ anh phong. (Tạm dịch: Sông núi trời sao ngàn thu hùng khí /Cha con anh em muôn thuở anh hào)./.
Làng Thượng Xá 02 tháng Hai-Kỷ Hợi