95 năm ngày thành lập đảng

Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 có gì đặc sắc?

Bảo Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 10 - 14/2 (tức ngày 13 đến 17 tháng Giêng), tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Đền Trần tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Đền Trần tại huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Đây là năm thứ ba lễ hội được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và cũng là dịp đặc biệt kỷ niệm 800 năm sáng lập vương triều Trần (1225 - 2025). Lễ hội không chỉ là cơ hội để tri ân các bậc tiền nhân mà còn là dịp để khẳng định giá trị văn hóa di sản của đất và người Thái Bình.

Tái hiện nhiều nghi lễ truyền thống của vương triều Trần

Lễ hội đền Trần Thái Bình được hình thành từ 800 năm trước kể từ khi xác lập vương triều nhà Trần. Lễ hội thường được tổ chức từ ngày 13 - 17 tháng Giêng với nhiều nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian độc đáo như tế mở cửa đền, lễ dâng hương tại khu lăng mộ các vua Trần, lễ rước nước.

Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QÐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Trải qua bao thế kỷ, lễ hội vẫn được người dân gìn giữ và duy trì như một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu đầu năm.

Năm nay, lễ hội tiếp tục được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, từ ngày 10/2 - 14/2 (tức ngày 13 - 17 tháng Giêng).

Tại đây, Ban tổ chức sẽ tái hiện những nghi lễ truyền thống như lễ tế mở cửa đền, lễ rước nước và lễ bái yết dâng hương. Tâm điểm là lễ khai mạc vào tối 10/2 (13 tháng Giêng), kết hợp trang trọng giữa phần lễ và phần hội. 

Phối cảnh sân khấu khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2025.
Phối cảnh sân khấu khai mạc Lễ hội đền Trần năm 2025.

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ Thái Bình - miền Thánh Mẫu, đất Thánh nhân, dấu thiêng Phật pháp” được đầu tư quy mô với sự tham dự của 500 nghệ sĩ, diễn viên... tái hiện những dấu ấn vàng son, công lao của các vị vua triều Trần. Qua đó, người dân thêm tự hào về truyền thống lịch sử của cha ông và quê hương Thái Bình - mảnh đất thánh nhân, giàu truyền thống văn hóa và tâm linh.

Các hoạt động văn hóa và thể thao đặc sắc

Cùng với phần lễ trang nghiêm, Lễ hội đền Trần Thái Bình còn là dịp để người dân và du khách hòa mình vào các hoạt động văn hóa đặc sắc trong phần hội. Từ các trò chơi dân gian như kéo lửa nấu cơm, kéo co, pháo đất, cờ tướng, đến những cuộc thi truyền thống như gói bánh chưng, thi cỗ cá, têm trầu cánh phượng, tất cả đều mang đến bầu không khí tươi vui, gắn kết cộng đồng. Đặc biệt, liên hoan hát văn - loại hình nghệ thuật độc đáo gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu - góp phần làm phong phú thêm giá trị văn hóa và tâm linh của lễ hội.

Trước lễ khai mạc, Hội chợ kết nối cung cầu Xuân Ất Tỵ 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 7/2 - 16/2, quy tụ hơn 300 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội chợ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống, làng nghề và triển lãm sinh vật cảnh, mở ra cơ hội giao lưu văn hóa và kinh tế đầy ý nghĩa. Không gian hội chợ không chỉ tái hiện bức tranh sinh động về đời sống và văn hóa của người dân Thái Bình mà còn khẳng định sức sống mãnh liệt của các giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại.

Để đảm bảo an toàn cho du khách, các tiểu ban tổ chức lễ hội đã chuẩn bị kỹ lưỡng với các phương án phòng chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo an toàn trong các hoạt động. Đồng thời, các nhà hàng, khách sạn và cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh cũng được yêu cầu cung cấp dịch vụ chất lượng cao, niêm yết giá cả công khai, giúp du khách có một trải nghiệm tốt nhất khi tham dự lễ hội.

Lễ hội đền Trần Thái Bình năm 2025 là một sự kiện văn hóa đặc sắc, mang đậm giá trị lịch sử và truyền thống dân tộc. Không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân, lễ hội còn là cơ hội để kết nối cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Đây chắc chắn sẽ là một dịp không thể bỏ qua đối với những ai yêu thích khám phá văn hóa và lịch sử của đất và người Thái Bình.