Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội Giằng bông (Hoài Đức, Hà Nội): Bớt nhiều những cảnh phản cảm

Linh Anh - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mùng 6 tháng 2 (tức 11/3/2019) lễ hội giằng bông (Hoài Đức, Hà Nội) thu hút mọi sự chú ý của các cơ quan quản lý văn hóa, bởi vì theo quan niệm đây là 1 - 2 lễ hội phản cảm còn rơi rớt lại ở Hà Nội.

Trước khi vào màn giằng bông, Ban tổ chức bắc loa nhắc nhở người đi hội không được ẩu đả, cởi trần phản cảm để tránh bị cấm tổ chức như Hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ).
Giằng co cả tiếng
Đúng 13 giờ ngày mùng 6 tháng 2 năm Kỷ Hợi (11/3/2019), cụ thủ từ đình Sơn Đồng tung lộc xôi ra sân đình, hàng trăm thanh niên nhao nhao bắt lấy lộc, như một hành động khích lệ sức khỏe trước khi vào màn giằng bông truyền thống. Điều bất ngờ, ở màn chính lễ chuẩn bị diễn ra, có khoảng hơn 1.000 người (cả thanh niên tham gia giằng bông và người dân trẩy) vây kín sân đình rộng chừng 100m2 chỉ để xem và giằng bông.
 aNgười dân xã Sơn Đồng (Hoài Đức) háo hức chờ đợi màn giằng bông. Ảnh: Ngọc Tú
Cụ Nguyễn Như Huỳnh - Trưởng ban khánh tiết đình Sơn Đồng cho biết, tương truyền, trong lịch sử xa xưa cách đây hơn 1.000 năm, cây bông là vũ khí đánh đuổi giặc, giữ đất, giữ làng của Đức thành hoàng. Đình Sơn Đồng trước kia là am nhỏ thờ Đức thành hoàng, là nơi diễn ra lễ hội giằng bông.
Cũng theo cụ Huỳnh, khoảng hơn 10 năm trước, có những trận giằng quyết liệt diễn ra từ trưa đến nửa đêm, giằng từ sân đình ra bãi ruộng vẫn không phân ai thắng. Nhưng những năm gần đây, để kiểm soát được an ninh trật tự, Ban tổ chức chỉ khống chế giằng bông diễn ra ở sân đình. Năm nay, 2 cây bông được Ban tổ chức phát ra với hiệu lệnh giằng trong một giờ đồng hồ. Cả trăm người nhao vào, người giằng, người kìm để màn giằng lộc diễn ra theo đúng kịch bản.
Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Viết Hùng cho biết: Cây bông là cây tre đực, gióng đẹp, có độ dài từ 1m15 đến 1m27 và được lựa chọn kỹ càng. Bao đời nay người dân Sơn Đồng quan niệm, người nào giành được cây bông thì cả năm sẽ linh ứng gặp nhiều may mắn, gia đình thịnh vượng, cầu được con cái, đặc biệt là có thể cầu quý tử vì đó là “lộc thánh ban cho”. Vì thế sau màn nghi lễ, hội giằng bông thu hút đông đảo thanh niên trai tráng trong làng tham gia với những pha tranh giành quyết liệt.
Ngăn chặn gây rối
Ông Nguyễn Viết Hùng cho biết: Năm nay Ban tổ chức bố trí 50 chiến sĩ công an mặc thường phục và cả lực lượng ngụy trang để kiểm soát tình trạng gây rối. Theo ghi nhận của phóng viên, có 2 - 3 trường hợp có hiện tượng gây gổ đã bị lực lượng công an kịp thời ngăn chặn, yêu cầu ra khỏi trận địa giằng bông.
Đặc biệt, trên hệ thống loa phát thanh, ban tổ chức liên tục yêu cầu thanh niên không được cởi trần để tránh những hình ảnh phản cảm nơi tôn nghiêm. Tuy nhiên, với khoảng sân nhỏ ở đình Sơn Đồng, hàng trăm thanh niên trai tráng ào vào kẻ hô người hét nên không thể tránh được tình trạng chen lấn, xô đẩy. Nhưng để bị coi là lễ hội phản cảm hay chưa thì còn là quan niệm và cách thổi phồng của truyền thông.
Còn với Minh Nam (24 tuổi, thanh niên làng Sơn Đồng): Đã 4 năm nay, tôi tham gia giằng bông cùng các anh em trong làng. Chúng tôi giằng với tinh thần vui tươi, hy vọng sức khỏe, may mắn và con cái cho gia đình dòng họ; khi thấy sức mệt tôi sẽ ra khỏi trận giằng. Chúng tôi quan niệm đây là sân hội vui chơi của trai làng Sơn Đồng từ bao đời nay, nên không bao giờ gây gổ đánh nhau để làm xấu hình ảnh lễ hội.
Bài học từ Hội Phết Hiền Quan 2019, sau khi không ngăn chặn được bạo lực, ban tổ chức đã quyết định dừng cướp phết, việc thay đổi nghi thức truyền thống đã gây nên hậu quả người dân vây đền, phản đối gần 4 tiếng đồng hồ. Chính vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Trần Hữu Sơn, cơ quan quản lý văn hóa đôi khi cần có cái nhìn khách quan hơn với lễ hội, nên hiểu ngọn nguồn bản chất và tâm tư của người dân nơi diễn ra lễ hội.
Sau nhiều năm bị các phương tiện truyền thông chụp hình phê phán phản cảm, Ban tổ chức lễ hội giằng bông rất lo lắng bị yêu cầu dừng tổ chức. Rất may mắn, năm nay, trong các nghi thức truyền thống của lễ hội giằng bông chưa bị cơ quan quản lý “tuýt còi” vì phản cảm.
Tuy nhiên, Ban tổ chức cũng cần rút kinh nghiệm trong cách bố trí quản lý hàng quán, không để tình trạng các hình thức phi tiêu lấy thưởng, xích đu, đồ nướng, đồ rán tràn đến tận cổng di tích như hiện nay.