Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội gióng 2018: Bỏ cướp hoa tre, lo lộc bán đại trà

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghi thức rước giò hoa tre, giò trầu cau đã tồn tại hàng trăm năm sẽ bị loại bỏ tại Lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm 2018, nhưng không ai phản đối.

Phần lớn các ý kiến nghiêng về nỗi lo ngại, không còn công khai tất lễ, lễ vật có được “sản xuất” số lượng lớn để phát đại trà như ấn đền Trần (Nam Định)?
Ngạc nhiên vì sự đồng thuận

Tục cướp lộc hoa tre tại hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có từ hàng trăm năm, cũng được ghi dấu trong hồ sơ trình UNESCO công nhận hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam: “Đó là một nét văn hóa của lễ hội”. Bởi vì, nghi thức rước kiệu tiến lễ sân rồng đền Thượng, tạ lễ về đền Trình và đền Mẫu, hay lời hô “tất lễ” đều đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của Lễ hội Gióng (Sóc Sơn). Thế nhưng, sau vài năm, lộc hoa tre trở thành thứ giành cướp, giẫm đạp; người ngất, kẻ sứt đầu. Lư hương đền Mẫu, đền Trình bị xô đổ vì những người hám lộc thì năm 2017, Ban Tổ chức lễ hội đã huy động hơn 300 chiến sĩ công an, hàng trăm lực lượng đoàn viên bảo vệ lễ.

Kiệu rước lộc hoa tre tại Lễ hội Gióng. Ảnh: Công Hùng

Mùa lễ hội năm 2018, nghi thức rước lễ từ đền Thượng về đền Mẫu và đền Trình sẽ không còn. Cảnh xô đẩy trong lễ hội vì thế khó xuất hiện. Vậy là, nghi thức có từ bao đời bỗng nhiên phải thay đổi. TS Trần Hữu Sơn – Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng thấy tiếc cho quyết định này. Nhưng vì cái sự tranh lộc không còn nho nhã như ngày xưa nên cũng phải chấp nhận với sự thay đổi này. “Để phải thay đổi cách rước, lỗi trước hết là thuộc về chúng ta. Vì cộng đồng không giữ được văn hóa, nên bây giờ phải rước kín, thôi thì cũng tạm chấp nhận được” – TS Trần Hữu Sơn bày tỏ. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cũng cho rằng đến lúc phải thay đổi cách rước lễ bởi vì: “Cướp lộc như mấy năm trước thì phản cảm quá! Thay đổi cách rước nhưng bản chất lễ hội không bị thay đổi. Vì bản chất của lễ tiết đền Gióng là người dân làm lễ và rước lễ lên sân rồng đền Thượng, bày tỏ niềm tôn kính với đức Thánh”.

100% người dân thôn Vệ Linh, thôn Đan Tảo…, nơi làm lễ giò hoa tre, giò trầu cau dâng thánh đã đồng thuận thay đổi hình thức rước. Sở VH&TT Hà Nội cũng đã có câu trả lời: “Đã xuất hiện hành động cướp không văn hóa thì phải điều chỉnh”. Vậy nên Ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc càng có thêm lời khẳng định nghi lễ rước lễ tạ giò hoa tre và trầu cau sẽ không được thực hiện trong lễ hội năm 2018.

Tránh hàng hóa lễ vật

Hiện nay, Ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc mới thống nhất một phần kịch bản tổ chức lễ hội năm 2018. Hậu tế lễ và tán lộc sẽ được thực hiện theo phương án nào thì chưa được khẳng định. PGS.TS Nguyễn Văn Huy cảnh báo: “Vì số lượng hoa tre lễ thánh không được công khai nên ngay từ đầu các cơ quan quản lý cần kiểm soát, tránh đại trà, hàng hóa lễ vật”. Bởi vì thực tế, những năm trước, khi còn nghi thức rước lễ tạ, các bông hoa tre vẫn được bày bán công khai ở các quầy hàng lưu niệm từ cổng di tích. PGS.TS Nguyễn Văn Huy mong muốn Ban Tổ chức Lễ hội đền Sóc nhìn từ bài học phát ấn ở đền Trần (Nam Định), không nên để một đơn vị có được “độc quyền” phát lộc, dễ xảy ra tình trạng lộn xộn và thương mại hóa.

Ban Tổ chức cũng có ý tưởng sau khi tế lễ, giò hoa tre và giò trầu cau sẽ được tháo dời để mang tạ tại 2 đền Trình và đền Mẫu. Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nên giữ lại cả giò và sau lễ hội thay vì tán lộc có thể hóa lộc như hóa mã. “Chúng tôi sẽ bàn với người dân các thôn làng để thống nhất thời gian thực hiện lễ tạ, cách thức tán lộc. Dự kiến phương án sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng 1/2018” – Trưởng Ban quản lý di tích đền Sóc Nguyễn Nam Nho chia sẻ.