Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ hội mua sắm: Đổ xô 'săn' đồ tết

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các công ty đang có hàng bán trong siêu thị cũng cho biết giá bán tại lễ hội mua sắm được ưu đãi hơn cửa hàng và siêu thị thông qua quà tặng kèm hoặc giảm giá trực tiếp.

KTĐT - Các công ty đang có hàng bán trong siêu thị cũng cho biết giá bán tại lễ hội mua sắm được ưu đãi hơn cửa hàng và siêu thị thông qua quà tặng kèm hoặc giảm giá trực tiếp.

Những lễ hội mua sắm đang nối tiếp nhau diễn ra tại TP.HCM, người tiêu dùng tha hồ mua hàng tết. 
 
Điển hình là các lễ hội diễn ra ở nhà văn hoá Lao Động (quận 1), khu vực Bình Phú (quận 6), nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11), trung tâm hội chợ triển lãm Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)… đã tạo nên không khí sắm tết cho Sài Gòn.
 

Trong số này, chương trình có quy mô, lượng khách tham quan mua sắm và số lượng các nhà kinh doanh bán hàng nhiều nhất phải kể đến Lễ hội mua sắm diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ. Theo ban tổ chức, chỉ trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, ước tính có trên 100.000 người đã đến lễ hội này.

Nhiều cơ hội lựa chọn

Bà Nguyễn Thị Liên, nhà ở khu chung cư Lữ Gia đã vào lễ hội mua sắm diễn ra ở nhà thi đấu Phú Thọ ngày 30/1. Đến chiều 31/1, bà Liên tiếp tục vào lần nữa cùng cô cháu gái đang làm công nhân. Bà nói: “Có rất nhiều mặt hàng, nhiều quầy bán, nên muốn mua mặt hàng nào cũng có nhiều nhãn hiệu để lựa chọn. Chính vì vậy, tôi phải quay lại để xem nơi nào bán giá được nhất mới quyết định mua”.

Cũng theo bà Liên, điều thích thú nhất ở lễ hội mua sắm này là được nếm thử. Trong bảy loại càphê sữa hoà tan do các nhãn hiệu Việt Nam giới thiệu, bà Liên thích càphê của Thu Hà có vị đắng nhiều hơn, còn cô cháu lại thích càphê của nhãn hiệu Sang Phương mùi thơm và ngọt. Trong quá trình “nếm thử” sản phẩm của các thương hiệu Việt Nam, bà Liên nhận ra “các thức uống cacao có nhiều khẩu vị, dinh dưỡng hợp với nhà có người già và trẻ nhỏ”.

Tương tự, vợ chồng ông Hoàng Văn Hải đi gần hai giờ mới hết khu trung tâm khu vực lễ hội mua sắm ở Phú Thọ. Ông Hải kể: “Lúc mới bước vào, thấy Hanosimex bán áo thun giá chỉ vài chục ngàn/cái, tôi định mua ngay, nhưng bà xã bảo đi một vòng hãy quyết định. Gần 20 gian hàng bán áo thun nam, mỗi nơi một kiểu, và mức giá nằm trong khoảng dưới 150.000đ/áo càng làm tôi khó chọn lựa hơn”. Vợ ông Hải bổ sung: “Mua hàng xôn đổ lề đường sợ chất lượng không đảm bảo. Vào trung tâm thương mại thì giá quá cao. Do vậy tôi nghĩ lễ hội mua sắm các sản phẩm thương hiệu Việt Nam phù hợp với người lao động ở Sài Gòn này hơn”.

Một số doanh nghiệp tham gia bán hàng nhận xét, hầu như khách nào cũng có mua hàng, ít thì 3 – 4 món, nhiều lên đến vài chục món. Các công ty đang có hàng bán trong siêu thị cũng cho biết giá bán tại lễ hội mua sắm được ưu đãi hơn cửa hàng và siêu thị thông qua quà tặng kèm hoặc giảm giá trực tiếp.

Cơ hội bán hàng tốt nhất

Ghi nhận từ các hội chợ mua sắm đang diễn ra ở nhiều nơi khác nhau trên địa bàn TP.HCM có thể thấy các đơn vị kinh doanh đang nỗ lực tìm mọi cách để đưa sản phẩm made in Việt Nam đến với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, giám đốc công ty Mỹ Ý Mỹ sản xuất đồ dùng nội thất bằng vải cho biết: “Ngày 30/1 khai mạc lễ hội ở nhà thi đấu Phú Thọ, thì sáng 1/2 lại khai mạc hội chợ Tiêu dùng mùa xuân ở nhà triển lãm Hoàng Văn Thụ. Chuẩn bị hàng hoá, chuẩn bị đội ngũ… mệt không thở nổi. Nhưng không thể bỏ qua vì cuối năm nhu cầu mua chăn drap gối mới tăng… Đây là cơ hội bán hàng tốt nhất trong năm”.

Tuy nhiên, hàng hoá càng đa dạng, sản phẩm càng nhiều thì người tiêu dùng lại tỏ ra lúng túng trong quyết định mua. Vợ ông Hải bảo: “Trước đây nghĩ đến tết chỉ lo mua bánh mứt, mua thức ăn, sắm vài bộ quần áo, giày dép cho người trong nhà. Còn bây giờ tết phải lo thêm quà biếu, mua chất tẩy rửa kỳ cọ nhà cho sạch, mua sản phẩm về trang trí… Chưa kể thấy nhiều mặt hàng giảm giá, có thể xài quanh năm, không mua cũng uổng”.

Trong khi đó người cháu đi cùng bà Liên tính toán: “Mang 500.000 đồng đi mua sắm không thấm vào đâu, lỡ ham mua thêm một cái áo thì phải giảm món khác”.