Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Lễ hội Phủ Dầy 2025: tôn vinh di sản văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Kinhtedothi - Lễ hội Phủ Dầy là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Tối 31/3 (mùng 3/3 âm lịch), tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, Lễ hội Phủ Dầy năm Ất Tỵ 2025 chính thức khai mạc, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về tham dự. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nhấn mạnh, Nam Định là nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy không chỉ là một sự kiện văn hóa quan trọng mà còn là dịp để quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa quê hương, gắn với sự phát triển du lịch tâm linh bền vững.

Lễ hội Phủ Dầy tích hợp nhiều giá trị lịch sử, tín ngưỡng và văn hóa dân gian đặc trưng của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nổi bật trong lễ hội là nghi lễ chầu văn - hầu đồng, một nghi thức tín ngưỡng quan trọng của đạo Mẫu, thể hiện sự kết nối giữa con người và thần linh thông qua âm nhạc, vũ điệu và trang phục truyền thống rực rỡ.

Lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 31/3 đến 5/4 (tức mùng 3-8/3 âm lịch), với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc như: Liên hoan nghệ thuật hát chầu văn, nhằm tôn vinh nghệ thuật diễn xướng dân gian đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu; Lễ rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát đến chùa Linh Sơn Tự, tái hiện hành trình tâm linh của Mẫu Liễu Hạnh; Lễ rước đuốc tại Phủ Tiên Hương, một nghi lễ quan trọng thể hiện lòng thành kính và cầu mong bình an.

Tiết mục biểu diễn đánh trống khai hội.

Ngoài ra, tại lễ hội còn có các trò chơi dân gian truyền thống như thi đấu cờ người, xếp chữ, kéo hoa trượng hội, múa lân, múa rồng hay hội hoa trượng, nơi diễn ra các màn biểu diễn võ thuật và thể thao dân gian đầy hấp dẫn.

Du khách đến với Phủ Dầy còn có cơ hội tham quan quần thể hơn 20 đền, phủ, chùa, lăng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - vị thần đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ của người Việt, đồng thời cũng là một trong “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Theo ông Đỗ Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, Ban tổ chức đã triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn cho Nhân dân và du khách, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các dịch vụ “chặt chém", mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình. Đồng thời, yêu cầu đơn vị quản lý các đền, phủ, chùa, lăng trong quần thể di tích tuyệt đối không được tổ chức các hoạt động trái với thuần phong mỹ tục, cần tập trung hướng tới xây dựng lễ hội lành mạnh, văn minh.

Lễ hội Phủ Dầy không chỉ là dịp để Nhân dân tôn vinh Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian. Đây cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh Nam Định, thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh phát triển. Với những giá trị văn hóa đặc sắc và truyền thống lâu đời, Lễ hội Phủ Dầy tiếp tục khẳng định vị thế của Nam Định trong bản đồ di sản Việt Nam và thế giới.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ