Lễ hội Tản viên Sơn Thánh hướng đến lễ hội cấp vùng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/1, UBND huyện Ba Vì đã tổ chức họp báo thông tin về kế hoạch tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì năm 2019.

Độc đáo lễ rước nước
Sau một năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ba Vì đang chủ trương xây dựng Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội cấp vùng.
 Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin với báo chí về công tác tổ chức lễ hội năm 2019 và các phương hướng phát triển ngành du lịch của địa phương.
Theo đó, với chủ đề “Du lịch xanh Ba Vì – Điểm hẹn văn hoá” UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức Lễ khai hội Tản Viên Sơn Thánh và khai trương du lịch Ba Vì vào 9 giờ ngày 17/2 (tức ngày 13 tháng Giêng) tại di tích lịch sử văn hoá đền Hạ, xã Minh Quang. Riêng Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 17 đến 19/2, tức ngày 13 đến 15 tháng Giêng năm Kỷ Hợi). Theo kế hoạch, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh vẫn diễn ra theo nghi lễ truyền thống. Trong đó, sáng12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi là hoạt động dâng hương tại di tích Đền Thượng, Đền Trung và Đền Hạ. Rạng sáng ngày 13 tháng Giêng, bà con các xã sẽ tổ chức rước nước từ sông Đà về làm lễ tế Thánh. Lễ rước nước được xem là một trong những điểm nhấn đặc biệt của lễ hội. Theo truyền thống, vào giớ Tí ngày 12 tháng Giêng, bà con xã Minh Quang sẽ chọn hai nam thanh, nữ tú của làng, chèo thuyền ra giữa dòng sông Đà, lấy nước rước về Đền để tỏ lòng thành kính dâng Đức Thánh Tản Viên Sau phần lễ, là phần hội với các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, cà kheo, việt dã, leo núi, đẩy gậy…
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Đỗ Mạnh Hưng, cho biết “Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là nét văn hoá đặc sắc của huyện Ba Vì trong chiến lược phát triển văn hoá và du lịch địa phương. Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là nét văn hoá đặc sắc của huyện Ba Vì trong chiến lược phát triển văn hoá và du lịch địa phương”. Cũng theo ông Hưng huyện Ba Vì đang lên kế hoạch để xây dựng và phát triển Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là lễ hội vùng giống như lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức), lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh)… Trong đó với việc tục thờ Tản Viên Sơn Thánh đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đến nay huyện đang nỗ lực xây dựng lễ hội Tản Viên Sơn Thánh theo hình thức truyền thống và tiến tới còn phát triển lễ hội để hấp dẫn du khách hơn. Một năm sau khi tục thờ Tản Viên Sơn Thánh được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, UBND huyện đã có phương án bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội. Cụ thể, huyện đã cho tôn tạo lại cụm di tích Đền Thượng, Đền Trung, Đền Hạ với nguồn kinh phí xã hội hoá trên 4 tỉ đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện kế hoạch bảo tồn trên 100 di tích liên quan đến tục thờ Đức Thánh Tản Viên trên địa bàn huyện. “Hiện nay, lộ trình của huyện là từng bước bảo tồn, xây dựng Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh thành lễ hội vùng, tiến tới xây dựng hoàn thiện hồ sơ, chỉnh trang lại các lễ rước để trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” - Phó Chủ tịch huyện Ba Vì cho biết.
 Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh là một trong những lễ hội đặc sắc, mỗi năm thu hút hàng vạn du khách về trẩy hội
Mở rộng Du lịch homestay và du lịch tâm linh
Nhắc tới Ba Vì có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là về một nền văn hoá dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Huyền thoại Sơn Tinh – Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ dựng nước. Đó là truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt – Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị Thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử.
Nhưng Ba Vì cũng là vùng đất có lợi thế về du lịch cảnh quan thiên nhiên và văn hóa. Nhiều địa danh nổi tiếng của Ba Vì không còn xa lạ với du khách trong nước và quốc tế như: Vườn quốc gia Ba Vì, Suối Hai, khu du lịch nước khoáng nóng Thuần Mỹ, Đầm Đa …
Năm 2018, Ba Vì đón 2,83 lượt khách doanh thu đoạt 336 tỉ đồng . Năm 2019, Ba Vì phấn đấu đón 3,2 triệu lượt khách và doanh thu đạt 403 tỷ đồng. Vừa qua, với mô hình phát triển du lịch homestay tại lãng vẽ tranh xã Cổ Đô đã thu hút một lượng du khách quốc tế lớn. Mô hình nghỉ dưỡng và du khách trải nghiệm vẽ tranh đã tạo công ăn việc làm cho Nhân dân. Theo đó, năm 2019, Ba Vì sẽ tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các xã Ba Vì với truyền thống làm nghề thuốc của người Dao, xã Ba Trại để phát triển du lịch chè.
Với tiềm năng sẵn có Ba Vì đang nỗ lực kêu gọi các nhà đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng lưu trú, giúp du lịch của địa phương sẽ phát triển hơn nữa trong một vài năm tới.