“Bảo tàng sống” về văn hóa
Theo kết quả kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2015, Hà Nội hiện có 1.972 danh mục di sản văn hóa phi vật thể, được phân loại theo 6 loại hình: Ngữ văn dân gian (14 di sản), nghệ thuật trình diễn dân gian (79 di sản), tập quán xã hội và tín ngưỡng (213 di sản), tri thức dân gian (106 di sản) và 1.206 lễ hội truyền thống (chiếm 67,2% trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể ), có 4 di sản được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại (trong đó có Lễ hội Gióng ở Sóc Sơn và Gia Lâm, nghi lễ và trò chơi kéo co gắn liền với Lễ hội Thạch Bàn - Gia Lâm).Là một trong số ít địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước, hệ thống các lễ hội truyền thống ở Hà Nội thể hiện tính đa dạng cao, mang đậm chất dân gian, phản ánh cuộc sống của nền văn minh lúa nước. Cũng như ở Việt Nam, các lễ hội dân gian ở Hà Nội hầu hết được tổ chức vào dịp đầu Xuân hàng năm, được ví như “Bảo tàng sống” về văn hóa, ở đó có chứa đựng ước vọng, tình cảm, sinh hoạt, phong tục tập quán... của cộng đồng, được lưu truyền, bổ sung, chọn lọc qua nhiều thế hệ.
Có thể kể đến một số lễ hội truyền thống tiêu biểu ở Thăng Long - Hà Nội như: Lễ hội Gióng được tổ chức ở Đền Sóc - Phù Linh - Sóc Sơn và đền Phù Đổng xã Phù Đổng - Gia Lâm, đều phụng thờ tôn vinh Đức Thánh Gióng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội được tổ chức ở hai địa phương vào thời điểm khác nhau với đặc trưng, cách thức khác nhau (Lễ hội Gióng ở Đền Sóc - Phù Linh - Sóc Sơn được tổ chức từ 6 - 8/1 âm lịch; Lễ hội Gióng ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm tổ chức từ ngày mùng 7 - 9 tháng 4 âm lịch hàng năm); Lễ hội Cổ Loa - Đông Anh (từ mùng 6 - 18 tháng giêng nhằm tôn vinh Vua An Dương Vương Thục Phán). Lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức) được khai hội ngày 6 tháng.
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì) tôn vinh, phụng thờ Đức Thánh Tản Viên; được tổ chức từ 13 - 15 tháng Giêng ở khắp vùng Xứ Đoài, đặc biệt tập trung tại cụm di tích đền Thượng (Chính Cung Thần Điện), đền Trung, đền Hạ thuộc xã Minh Quang và xã Ba Vì mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mường, Dao. Lễ hội gò Đống Đa được tổ chức ngày mồng 5 tháng giêng, tôn vinh thân thế sự nghiệp của Hoàng Đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Lễ hội Hai Bà Trưng (Mê Linh) và tại Hát Môn (Phúc Thọ). Ở Thủ đô còn có lễ hội hết sức đặc sắc đó là: Lễ hội Tứ Trấn Thăng Long - Hà Nội… Ngoài những lễ hội tiêu biểu đã trở thành Lễ hội vùng ở Hà Nội thì hầu hết các lễ hội làng đều được tổ chức vào mùa Xuân mà tập trung chủ yếu trong tháng Giêng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và nhu cầu giao lưu, giải trí của các tầng lớp Nhân dân.Đổi mới theo hướng văn minhTrong thực hành nghi lễ, hầu hết các lễ hội được thực hành theo nghi thức cổ truyền, nhưng một số lễ hội đã cải tiến cho phù hợp với đòi hỏi của sự tiến bộ xã hội. Tiêu biểu như lễ hội Làng La (thuộc Phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông xưa, nay thuộc phường Dương Nội, quận Hà Đông). Đêm rã đám Làng La (mồng 10 tháng Giêng) và câu chuyện nam nữ được tự do “yêu đương” khi đèn nến đã tạm thời tắt đi, sau đó nếu cô gái nào có chửa sẽ không bị làng bắt vạ là câu chuyện liên quan đến hủ tục lạc hậu, không phù hợp, đã được loại bỏ từ lâu. Lễ hội Chạy lợn ở Duyên Yết, Hồng Thái, Phú Xuyên là cuộc thi mổ lợn cấp tốc nhằm kịp khao đội quân lên đường đi đánh giặc.
Lễ hội được tổ chức vào mùng 7 Tết Âm lịch hàng năm. Theo thông lệ, việc chăm nuôi các “ông lợn” chỉ được giao cho các gia đình nền nếp, hòa thuận, con cháu thành đạt. Cuộc thi được diễn ra ở sân đình với sự tham gia của 3 xóm. Sau tiếng trống lệnh, các lực sĩ nhanh chóng khiêng lợn vào sân Đình. Chỉ chưa đầy 2 phút, con lợn đã được chặt đầu, cạo lông, lấy nội tạng... bày lên khay để dâng Lễ trước sự chứng kiến của dân làng và khách thập phương. Lễ hội truyền thống này đã bị mai một từ lâu, mới được khôi phục khoảng hơn 10 năm trước đây, nhưng đến nay không tổ chức tục mổ lợn vì sự phản cảm, bạo lực.
Tục cướp Lộc chiếu tại Lễ hội Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm) là một phần trong nghi lễ hội Trận. Nghi thức “đánh cờ” là màn trình diễn của ông Hiệu Cờ. Sau hiệu lệnh ông Hiệu Cờ tiến ra “chiến trường” là ba chiếc chiếu. Sau ván cờ thứ nhất, đội phù giá cho quân cuốn chiếu rước vào lễ Thánh, các ván cờ tiếp theo người dân được phép lao vào xé chiếu, giành lộc. Việc tranh cướp lộc chiếu đã nhiều lần xảy ra lộn xộn, xô sát gây thương tích. Nhằm ngăn chặn tình trạng bạo lực phản cảm này, Ban Tổ chức lễ hội đã tiến hành nghi thức tất lộc trong phạm vi hẹp, được ngăn cách với người xem bằng hào nước.Tương tự như vậy, việc tất lộc ở Lễ hội chùa Hương, Lễ hội Giằng Bông ở Sơn Đồng (Hoài Đức) cũng đã được tiến hành theo nghi thức cải tiến, đặc biệt tại Lễ hội Gióng (Sóc Sơn) việc tất lộc đã được thực hành theo nghi lễ tượng trưng, không còn “cướp” lộc mà là phát lộc. Do có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, sự vào cuộc của ngành văn hóa và sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là những người dân đang trực tiếp nắm giữ, thực hành lễ hội. Vì vậy bên cạnh việc gìn giữ được yếu tố gốc, cốt lõi của di sản thì những tục, hèm ở một số lễ hội truyền thống ở Hà Nội đã được cải tiến, thậm chí loại bỏ để hạn chế thấp nhất những phản cảm, bạo lực, phù hợp với yêu cầu của đời sống văn minh.Có thể khẳng định, lễ hội truyền thống Thăng Long - Hà Nội là một giá trị vô cùng quan trọng trong không gian văn hóa của Thủ đô. Cùng với quá trình vận động và phát triển của Hà Nội, lễ hội truyền thống với tư cách là loại hình di sản chứa đựng được nhiều nhất các giá trị văn hóa truyền thống cũng có những chuyển mình, phù hợp trong thời kỳ hội nhập. Góp phần quan trọng gìn giữ bản sắc riêng của Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì hòa bình.
Trong những năm qua , cùng với việc cải tiến phần lễ, công tác tổ chức phần Hội ở các lễ hội trên địa bàn TP cũng được duy trì, đổi mới. Các hoạt động trình diễn nghệ thuật dân tộc, trò chơi dân gian, ẩm thực truyền thống… của từng địa phương vừa được duy trì, lại tiếp nhận thêm các hoạt động giải trí phù hợp để phục vụ Nhân dân. |