Không gian lễ hội được thiết kế mang tính sáng tạo nhưng vẫn hàm chứa nhiều giá trị đặc sắc của di sản |
Không gian truyền thống ở Hồ Gươm
Hào hứng với sự kiện Lễ hội văn hóa dân gian đương đại lần này, chàng trai 8x Ngô Quý Đức – người được mệnh danh là người “truyền lửa” cho các bạn trẻ Hà Nội thêm yêu giá trị truyền thống, đã giúp sức cùng các nghệ nhân thổi hồn các tiểu cảnh sắp đặt. Ngô Quý Đức cho biết, Ban tổ chức mong muốn người dân đến với lễ hội được cảm nhận không gian di sản Hà Nội. Ngay từ các cổng chào vào lễ hội cũng được tạo dựng mô phỏng như cổng làng, bên cạnh đó có thể là những dải lụa dài căng phơi dọc 2 bên cổng. Hoặc những bụi chuối, đụn rơm, cái nơm cũng là những tiểu cảnh gợi lại giá trị của làng quê, mà không gian bên trong chứa đựng rất nhiều giá trị di sản.
Bước vào bên trong không gian của lễ hội, người dân có thể ngắm những bàn tay thoăn thoắt nặn tò he của 17 nghệ nhân ở làng Xuân La. Các sản phẩm tò he mang đến với lễ hội lần này là những tác phẩm nghệ thuật đích thực, hoành tráng với hình ảnh toàn cảnh về Gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng, Hồ Gươm và các kiến trúc xung quanh…
Hồ Gươm khác lạ với các tiểu cảnh sắp đặt |
Ở lễ hội, công chúng còn được các nghệ nhân ở làng nghề xương sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín) lý giải cặn kẽ về quy trình làm ra các sản phẩm mỹ nghệ… “Không gian của Lễ hội văn hóa dân gian đương đại 2020 không chỉ là không của trưng bày, mua bán mà là không gian của trình diễn và sự sáng tạo trên nền các giá trị truyền thống” – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Tô Văn Động cho biết. Đặc biệt, không gian đó lại được tạo dựng ở Hồ Gươm, để hàng nghìn công chúng có thể chiêm ngưỡng, trải nghiệm và hiểu hơn về giá trị di sản của cha ông.
Cơ hội trình diễn hiếm hoi
Điều đặc biệt ở lễ hội văn hóa dân gian đương đại diễn ra trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, so với kế hoạch đầu năm 2020, quy mô tổ chức của lễ hội đã rút gọn, song cũng không làm giảm đi tính chất tiêu biểu của giá trị di sản ngàn năm. Đặc biệt, không làm giảm tính chất hấp dẫn của di sản.
Bởi vì, tất cả các sản phẩm làng nghề, các tiết mục trình diễn đều do nghệ nhân và các câu lạc bộ hình thành trong cộng đồng dân cư trình diễn, với sự tham gia của chính những người đang nắm giữ di sản.
Lễ hội văn hóa dân gian đương đại 2020 thu hút nhiều giới trẻ đến tham quan (ảnh Ngọc Tú) |
Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa dân gian đương đại 2020 đã diễn ra Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội lần thứ 2 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. Liên hoan giới thiệu 9 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Hà Nội do 10 câu lạc bộ trình diễn. Nhiều tiết mục trình diễn thực sự cuốn hút người xem, nhận được sự tán dương của đông đảo khán giả như tiết mục múa cồng chiêng “Giai điệu cồng chiêng”, “Bản Mường vui hội cồng chiêng” của Câu lạc bộ Cồng chiêng Tiến Xuân, hát trống quân của Câu lạc bộ hát Trống quân xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ…
Nghệ nhân ư tú Phan Thị Kim Dung bày tỏ: “Liên hoan không chỉ cơ hội để chị và các em trong lớp bồi dưỡng hạt nhân giới thiệu các loại hình dân tộc mà còn thể hiện niềm đam mê của mình”. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, từ đầu năm rất nhiều sự kiện trình diễn bị tạm hoãn, các nghệ nhân chỉ có cơ hội giới thiệu di sản trong không gian hẹp ở tại địa phương. Chính vì vậy, đến với Lễ hội văn hóa dân gian đương đại lần này là cơ hội hiếm hoi để nghệ nhân trình diễn hiếm hoi, với nhiều tiết mục mới, có tính sáng tạo từ di sản với công chúng.
Người dân đến vui chơi tại lễ hội và chấp hành nghiêm chỉnh về phòng chống dịch covid-19 (nguồn interntet) |