Lễ hội Việc làm – Job Festival: Nhu cầu nhiều, nguồn tuyển ít

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường việc làm trong nước không thiếu nhân sự chất lượng cao. Vấn đề ở chỗ, các trường đại học (ĐH) đào tạo cho sinh viên có kiến thức rất tốt nhưng lại thiếu thái độ, kỹ năng và tư duy tích cực.

 Quang cảnh lễ hội việc làm
Lễ hội việc làm – Job Festival được trường ĐH Thương mại và Công ty King Broker tổ chức trong 2 ngày 26 và 27/10 tại trường ĐH Thương mại. Trước đó, Ban Tổ chức quảng bá: Lễ hội việc làm sẽ có hơn 100 DN tham gia và gần 30.000 ứng viên đăng ký đến từ 25 trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội. Ghi nhận của phóng viên tại sự kiện cho thấy, các DN tuyển dụng số lượng chỉ tiêu lớn, đa dạng vị trí việc làm với mức lương rất cao.
Chúng tôi cần người có tài, kinh nghiệm; không căn cứ vào tấm bằng để đánh giá ứng viên. Điều chúng tôi quan tâm là công việc mình chia sẻ, ứng viên sẽ đóng góp được bao nhiêu phần trăm để trở thành hiệu quả cho DN.
Giám đốc điều hành Công ty TNHH MTV TMDV Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nhật Nguyễn Huỳnh Đạt
Cụ thể, Tập đoàn Sơn Hà có nhu cầu tuyển dụng 36 chỉ tiêu cho 8 vị trí; trong đó Trưởng phòng Kinh doanh, Trưởng phòng Xuất khập khẩu lương tháng 10 – 30 triệu đồng, Trợ lý Tổng Giám đốc 15 – 50 triệu đồng... Công ty CP Times Pro tuyển 20 nhân sự, thu nhập của nhân viên kinh doanh, marketing lên tới 30 triệu đồng/tháng... Tuy nhiên, số sinh viên đến ứng tuyển không đông như kỳ vọng. Ông Trần Tiến Đạt – Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Times Rro cho biết, DN cần tuyển các ứng viên sắp ra trường nhưng đa số sinh viên tham gia Job Festival đang học ĐH năm nhất và năm hai. "Quá trình tuyển dụng thời gian qua chỉ tìm được 30% ứng viên trên tổng số đến phỏng vấn, tuy nhiên, các ứng viên không quá nổi trội, DN phải đào tạo lại" - ông Đạt cho biết.
Sinh viên ĐH tốt nghiệp ra trường thường thiếu kỹ năng khiến nhiều DN không dám tuyển dụng. Chủ tịch HĐQT Công ty CP King Broker Trịnh Nguyên Tuấn Anh nêu rõ: “Sự linh hoạt, nhạy bén và tiếp cận môi trường của sinh viên rất muộn; khi ra DN làm việc khó lòng đảm nhiệm được các vị trí cao. DN tuyển ứng viên, ưu tiên số một là có nhân cách, tư duy tích cực, cầu tiến; sau đó mới đến chuyên môn”.
Để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực hiện nay, nhà trường cần đào tạo sinh viên thay đổi tư duy, quan điểm và thái độ đối với công việc. Thực tế, từ năm 2008, Bộ GD&ĐT có Quyết định 68 quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và trung cấp chuyên nghiệp để việc đào tạo tiếp cận với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Bùi Tiến Dũng - Chuyên viên chính Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hơn 10 năm nay, hầu hết các trường đều triển khai Quyết định 68 và coi đó là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là nội dung quan hệ, phối hợp với DN.
Tuy nhiên, cách tổ chức thực hiện Quyết định 68 chưa sâu và chưa mang tính chuyên môn cao, lợi ích của nhà trường và DN chưa được thể hiện rõ. DN mới chỉ vào cuộc ở nội dung hỗ trợ học bổng, tiếp nhận thực tập, tuyển dụng làm việc. “Sự phối hợp giữa nhà trường và DN về đặt hàng nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp cũng là vấn đề cần lưu ý khi thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh lại Quyết định 68 cho phù hợp”– ông Dũng giải thích. Đồng thời khuyên sinh viên phải chủ động tìm hiểu việc làm liên quan đến ngành nghề học và trang bị các kỹ năng còn thiếu (giao tiếp, tiếng Anh, pháp luật, văn hóa Việt Nam).