Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lễ khai giảng tại một ngôi trường “đặc biệt”

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngôi trường đặc biệt đó có những học sinh phát triển bình thường và học sinh chậm phát triển về trí tuệ. Ở nơi đây, các cô giáo yêu thương học trò hơn con của mình.

Sáng nay 5/9, trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) tổ chức khai giảng năm học mới 2019 – 2020 cho 420 học sinh các cấp, trong đó có 50 em học sinh lớp 1.
Từ 7 giờ sáng đã có nhiều phụ huynh chở con đến trường tại địa chỉ 80 phố Thợ Nhuộm và cùng tham dự lễ khai giảng của nhà trường.
 Học sinh được các cô giáo đón vào tham dự Lễ khai giảng
Sau khi đón các bạn học sinh lớp 1 lần đầu tiên tới trường là nghi thức của Lễ khai giảng như: Chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước,... Tiếp đến là phần hội gồm những tiết mục hát, múa, nhảy do các em học sinh tự dàn dựng.
Trong bài phát biểu của hiệu trưởng, cô Lê Thanh Hà chia sẻ, năm học vừa qua vượt lên khó khăn với sự nỗ lực không ngừng, cán bộ giáo viên, nhân viên trường Bình Minh đã hoàn thành khối lượng công việc to lớn và đạt được nhiều thành tích nổi bật.
 Lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn nhưng hết sức ý nghĩa
Để ghi nhận sự nỗ lực của nhà trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho nhà trường. Đây là niềm vui, niềm tự hào và động lực để thầy trò nhà trường  tiếp tục phấn đấu trong năm học 2019 – 2020.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh cũng kêu gọi các thầy cô nỗ lực nghiên cứu, giảng dạy thật tốt, nhiều sáng tạo để mang đến cho học sinh những buổi học hay và thú vị.
“Chúng ta  hãy truyền đến cho các con ngọn lửa đam mê học tập, nghiên cứu và nhân văn. Bên cạnh đó các học sinh hãy phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo để có được kết quả học tập tốt nhất.
 Các em học sinh lớp 1 được chào đón trong Lễ khai giảng
Và tất cả chúng ta hãy cùng chung sức đồng lòng tạo môi trường thân thiện để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” – cô Thanh Hà kêu gọi.
Ngay sau lễ khai giảng, học sinh các khối trở về lớp học và tiếp tục có những hoạt động vui chơi khác.
Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại lớp học 2B có 24 học sinh đặc biệt. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Thu Nga chia sẻ: Trong lớp học có một số bạn chậm phát triển trí tuệ, một số bạn kèm theo tăng động giảm chú ý, lại có ít bạn gặp khó khăn về học tập. Vì thế, việc dạy cho các bạn tốt nhất là càng chia nhỏ mục tiêu và ranh giới giữa các đối tượng thì việc dạy học sinh sẽ tốt hơn.
 Học sinh múa hát bài Đi học 
Cô Thu Nga chia sẻ thêm, việc tiếp thu của các bạn chậm phát triển trí tuệ hơi khó. Nếu một bài học, cô giáo giảng 1, 2 lần là học sinh bình thường tiếp thu được thì các bạn khuyết tật trí nhớ phải tới 5 ngày.
 Các em học sinh chậm phát triển trí tuệ luôn được cô giáo hết mực yêu thương
Giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ, ngoài khả năng, kỹ năng sư phạm thì có lòng yêu thương học trò, thậm chí yêu hơn các con của mình. Bởi vì các trẻ này rất tình cảm, ai yêu các bạn thì các bạn sẽ yêu thương lại” – cô Nga cho hay.