Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Sáng 10/7, tại Khu lưu niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/7/1910-10/7/2020).
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa viếng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Khu lưu niệm.
Tham dự Lễ kỷ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo 1 số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, một số tỉnh, thành phố; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện thân nhân gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Long An.
Tấm gương sáng về tinh thần yêu nước nồng nàn
Đọc diễn văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh nhấn mạnh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa) sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Thuở nhỏ, ông học tại Trường tiểu học Long Mỹ, quận Long Mỹ, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc tỉnh Hậu Giang).
Năm 1921, ông được gia đình cho sang Pháp du học và tốt nghiệp cử nhân Luật với tấm bằng hạng ưu vào năm 1932.
Tháng 5/1933, ông trở về nước làm luật sư tập sự, rồi trở thành luật sư chính thức từ năm 1939; thành lập văn phòng luật sư riêng tại Mỹ Tho, sau đó là ở Vĩnh Long, Cần Thơ.
Trước biến động lịch sử những năm 1940-1945, đã lôi cuốn, thôi thúc Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia các phong trào của thanh niên, sinh viên và giới trí thức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Con đường đưa Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đến với cách mạng cũng bắt đầu hình thành từ đây.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tích cực ủng hộ chính quyền cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, sẵn sàng đóng góp sức lực, trí tuệ cho công cuộc xây dựng nước Việt Nam mới.
Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ, Luật sư vẫn bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức Nam Bộ.
Năm 1947, sau khi về chiến khu Đồng Tháp Mười theo lời mời của Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ, Luật sư quyết định từ chức Chánh án Tòa án dân sự tỉnh Vĩnh Long lên Sài Gòn mở văn phòng luật sư riêng.
Theo sự phân công của tổ chức, Luật sư hoạt động trong Ban Trí vận Thành ủy Sài Gòn. Văn phòng Luật sư trở thành nơi tập hợp giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn và miền Nam.
Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đòi hoạt động cách mạng của ông Nguyễn Hữu Thọ.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Văn phòng Luật sư ở Sài Gòn được xem là “Tổng hành dinh” của phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp nhân dân thành phố và Nam Bộ.
Do những hoạt động yêu nước, tham gia các phong trào cách mạng, từ năm 1950, ông Nguyễn Hữu Thọ đã nhiều lần bị địch bắt giữ, lưu đày. Chúng dùng nhiều thủ đoạn hăm dọa, dụ dỗ nhưng đều không thể lay chuyển được ý chí của một nhà trí thức yêu nước, người chiến sỹ Cộng sản chân chính.
Đến năm 1961, sau gần 10 năm bị lưu đày, ông được lực lượng cách mạng giải thoát và đưa về hoạt động ở chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh).
Tháng 2/1962, tại Đại hội lần thứ I Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, ông được bầu làm Chủ tịch Mặt trận, trực tiếp tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.
Tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Chính phủ.
Sự kiện này đánh dấu thắng lợi hết sức to lớn về chính trị và ngoại giao của quân dân miền Nam, trong đó có vai trò quan trọng của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Sau thắng lợi hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 4/1976, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trúng cử đại biểu Quốc hội với sự tín nhiệm rất cao.
Ông được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, như Quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ngày 24/12/1996, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ từ trần tại Thành phố Hồ Chí Minh trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng bào, đồng chí cả nước và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Trong công tác đối ngoại, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, sau này là lãnh đạo Nhà nước, ông đã đón tiếp nhiều đoàn đại biểu các nước đến thăm vùng giải phóng ở miền Nam và các vị Đại sứ đến trình quốc thư; trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta.
Ông cũng đã thăm hữu nghị nhiều quốc gia nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam; góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị với các nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trên cương vị lãnh đạo Nhà nước, sau đó được giao trọng trách quyền Chủ tịch nước, ông đã cùng Chính phủ tổ chức chỉ đạo nhân dân cả nước thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, tái thiết đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội, chăm lo đời sống nhân dân.
Đặc biệt, ông đã dành nhiều tâm huyết và trí lực cho việc soạn thảo Hiến pháp năm 1980 và ký lệnh công bố bản Hiến pháp đặc biệt quan trọng này.
Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, ông thường xuyên quan tâm thực hiện dân chủ và xây dựng pháp luật để Quốc hội hoàn thành trọng trách của mình, khẳng định chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông nhiều lần đến địa phương, cơ sở tìm hiểu thực trạng, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn của công tác mặt trận, đề xuất với Đảng, Nhà nước những cơ chế, chính sách và giải pháp để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, mở rộng và phát huy vai trò Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ mới; xác định mối quan hệ giữa Đảng với tổ chức Mặt trận theo tinh thần Đảng vừa là hạt nhân lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận, làm sao Mặt trận trở thành chỗ dựa tin cậy của Nhà nước.
Dù chưa một lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn khẳng định điều may mắn, hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Chính lý tưởng, đạo đức cao đẹp và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng, là động lực thu hút đồng chí đến với cách mạng, dẫn dắt đồng chí trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Có thể nói, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Điểm nổi bật trong tính cách của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là đức tính thủy chung, tình nghĩa với quê hương Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc;” dù đi đâu, ở đâu, đồng chí vẫn luôn hướng về quê hương với những tình cảm chân thành, tha thiết nhất; tranh thủ dành thời gian về thăm, làm việc, động viên, khích lệ Đảng bộ và nhân dân Long An, chia sẻ những khó khăn, thách thức trên con đường xây dựng và phát triển.
Những công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác; đồng thời được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế tặng nhiều giải thưởng và Huân chương vì sự nghiệp đoàn kết, chiến đấu, củng cố hòa bình giữa các dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các Mẹ Việt Nam Anh hùng dự Lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN) |
Chặng đường gần 35 năm đổi mới, Tỉnh ủy Long An đã đề ra những chương trình đột phá, công trình trọng điểm, những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực và quyết liệt để lãnh đạo các cấp, các ngành và các tầng lóp nhân dân đạt được nhiều thành tựu, quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; đưa Long An vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành địa phương năng động, tích cực trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
“Những thành tựu quan trọng ấy có cội nguồn từ truyền thống đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng của Đảng bộ, quân và dân Long An, trong đó có công lao đóng góp to lớn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - người con ưu tú của quê hương, đất nước. Truyền thống ấy sẽ được thế hệ hôm nay và mai sau tôn vinh, kế thừa, phát huy, tạo thành nguồn lực mạnh mẽ về tinh thần, giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tiến bước vững vàng trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế,” Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An nói.
Trong niềm tự hào và thể hiện lòng tri ân sâu sắc kỷ niệm 110 năm ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tăng cường tình đoàn kết gắn bó, ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; góp phần xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một giàu đẹp, văn minh.
Đại diện thế hệ trẻ Long An, em Nguyễn Tâm Bình, học sinh lớp 12A8, Trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Thọ, huyện Bến Lức phát biểu chia sẻ về những kết quả học tập, tu dưỡng của học sinh nhà trường thời gian qua; đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực cố gắng học tập, tu dưỡng để bản thân hoàn thiện, trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh đi trước, với ngôi trường mang nhà trí thức yêu nước, mang tên Luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng nam của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thay mặt gia đình tặng 50 triệu đồng Chi hội khuyến học huyện Bến Lức, Long An.
Trước Lễ kỷ niệm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo 1 số Ủy ban của Quốc hội đã tới dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tại Đền tưởng niệm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; thăm phòng trưng bày thân thế và sự nghiệp Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong Khu lưu niệm.
Trưa cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tới thăm, tặng quà một số gia đình chính sách tại huyện Bến Lức, Long An.