Vàng trong nước tăng nhanh hơn thế giới
Cụ thể, lúc 9 giờ sáng, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 85 - 87,2 triệu đồng/lượng, tăng thêm 400.000 đồng/lượng cả hai chiều so với sáng qua. Đến 10 giờ 40 trưa nay, giá bán ra tiếp tục vọt lên 87,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn theo đó cũng nhích tăng thêm 250.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 350.000 đồng ở chiều bán ra lên 73,5-75,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch biên độ giá mua vào - bán ra vàng SJC cao nhất khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới đứng ở ngưỡng 2.323 USD/ounce. Giá vàng thế giới tiếp đà tăng từ hôm qua sau khi đồng USD lao dốc. Chỉ số US Dollar Index giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng 1 tháng khi báo cáo công bố gần đây cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ đang yếu đi, làm tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đang tăng nhanh hơn thế giới. Tốc độ tăng giá của vàng trong nước nhanh hơn quốc tế khiến vàng miếng SJC đắt đỏ lên gần 16,2 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 6,6 triệu đồng/lượng so với trước khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện đấu thầu vàng miếng SJC để nhằm tăng cung ra thị trường. Vàng nhẫn cao hơn khoảng 4-4,5 triệu đồng, tùy thời điểm.
Đại diện Công ty SJC cho biết người dân đi mua vàng miếng nhiều, trong khi lượng vàng bán ra trên thị trường lại không tăng dù giá mua vào cũng đang lên mức cao kỷ lục. Ở chiều ngược lại, những người có vàng hiện vẫn chưa chịu bán ra càng khiến cho thị trường thêm khan hiếm.
Nhiều chuyên gia trong nước nhận định, giá vàng SJC sẽ còn những diễn biến khó lường khi mà các biện pháp quản lý thị trường vàng chưa thực sự có hiệu quả.
Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới Nguyễn Ngọc Trọng phân tích, khu vực Trung Đông đang bất ổn với các vụ tấn công nên giá thế giới tăng nhưng hiện vẫn chưa rõ xu hướng. Vàng trong nước thì càng khó có thể dự báo được giá sẽ như thế nào khi chưa biết NHNN bán vàng can thiệp thị trường hay không. “Nếu NHNN không bán vàng ra được qua các phiên đấu thầu sắp tới, khả năng giá vàng trong nước vẫn tiếp tục tăng lên khi lực mua trên thị trường cao hơn lực bán”- ông Trọng nói.
Giảm giá vàng không thể một sớm một chiều?
Giá vàng SJC vẫn leo lên những nấc thang cao nhất mọi thời đại, khoảng cách giá vàng SJC và giá vàng thế giới vẫn mở rộng biên độ. Chênh lệch giá vàng mua và bán tăng cao khiến người mua vàng đối mặt rủi ro.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã từng nhấn mạnh cần có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.
Theo các chuyên gia, việc kéo giảm giá vàng không thể một sớm một chiều do một trong những nguyên nhân là các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc còn “e ngại” tham gia đấu thầu vàng miếng, nhất là khi các phiên đấu giá vàng miếng với mức giá khởi điểm cao sẽ khó kéo được giá vàng SJC đi xuống.
Tuy vậy, nhiều ý kiến lại cho rằng quyền chủ động trên thị trường đang nằm trong tay các đơn vị kinh doanh vàng, bằng chứng là họ tính toán mua hay không mua vàng đấu thầu của NHNN. 4 phiên đấu thầu vàng vừa qua đã chứng minh cho điều này.
“Hễ chuẩn bị cho đấu thầu, thị trường lại dìm giá xuống. Gây áp lực để giảm giá tham chiếu. Đấu xong hoặc huỷ thầu giá lại đẩy giá lên, cao hơn rất nhiều so với thế giới”- một nhà đầu tư bình luận.
Mặt khác, vàng SJC vẫn là thương hiệu độc quyền kết hợp với tính chất độc quyền nhóm (hiện chỉ có rất ít đơn vị được kinh doanh vàng SJC do các quy định rất cao của Nghị định 24/2012), nên giá vàng SJC sẽ do doanh nghiệp độc quyền chi phối.
Các chuyên gia cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế, giải pháp căn cơ cho các vấn đề của thị trường vàng vẫn là sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP với quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu nguyên liệu vàng của NHNN. Nói đơn giản là trả vàng về cho thị trường vận hành chứ NHNN là cơ quan quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ, không nên trực tiếp gánh trách nghiệm cân bằng cung - cầu thông qua xuất - nhập khẩu và điều tiết thị trường vàng.