Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lên phương án sẵn sàng ứng phó với bão Kompasu giật cấp 11

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 7 đã suy yếu thành một vùng áp thấp, tuy nhiên, mưa vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất là không thể chủ quan. Trong khi đó, Biển Đông chuẩn bị đón cơn bão số 8 có tên Kompasu.

Đường đi của bão Kompasu. 
Thông tin tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai sáng 11/10, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia cho biết, ngày 11/10, tại khu vực Bắc Bộ tiếp tục có mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm, riêng Phú Thọ, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 120mm. Các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 30-60mm, có nơi trên 80mm.
Dự kiến từ ngày 11-13/10, ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Bên cạnh nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn đã và đang khiến mực nước nhiều hồ chứa tăng cao. Số liệu quan trắc sáng nay 11/10 cho thấy, các hồ thủy điện khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên đều đạt khoảng 20-90% dung tích thiết kế; hiện có 43 hồ trên các lưu vực đang xả tràn. 6 hồ thủy điện đã đầy gồm: Chi Khê; A Lưới; An Khê; Sê San 4A; Đồng Nai 2; Srok Phu Miêng. Trong khi đó tại khu vực miền núi phía Bắc và các tỉnh Bắc Trung Bộ, hiện cũng có 1.855/3.044 hồ chưa thuỷ lợi tích đầy nước; nhiều hồ đang phải xả tràn để bảo đảm an toàn hồ đập và vùng hạ du. 
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận phát biểu tại cuộc họp sáng 11/10. 
Nhờ làm tốt công tác dự báo, chỉ đạo ứng phó sớm với diễn biến thiên tai nên tính đến sáng nay (11/10), tại các địa phương chưa ghi nhận thiệt hại lớn về người và tài sản. Ghi nhận tại các địa phương, chỉ có một số tuyến đường bị ngập nước cục bộ. Tuy nhiên hiện nay nước đã rút, việc đi lại đã cơ bản trở lại bình thường. 
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, dù bão số 7 đã đi qua, tuy nhiên, diễn biến thiên tai hiện còn rất phức tạp do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, gió mùa Đông Bắc và bão Kompasu vào biển Đông. Nguy cơ xảy ra tình huống thiên tai nguy hiểm (bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là không thể chủ quan.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp sáng 11/10, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thiên tai, thời tiết. Trong đó, tập trung xây dựng kịch bản ứng phó với bão, mưa lũ trong 10 ngày tới.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thông tin sớm về mưa lũ sau bão số 7 và đặc biệt là diễn biến cơn bão Kompasu; xác định khu vực nguy hiểm trên biển để hướng dẫn tàu thuyền. Các địa phương tăng cường thông tin, truyền thông đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động ứng phó bão Kompasu gắn với phòng, chống dịch Covid-19.
Cùng với đó, cần chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng tình huống bị chia cắt do mưa lũ. Rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa, khu vực khai thác khoáng sản. Đồng thời, duy trì lực lượng cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu, xử lý khi có yêu cầu.