Lên phương án vận chuyển người từ khu vực áp dụng Chỉ thị 16 về địa phương

LINH DƯƠNG/giaothonghanoi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 17/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn khẩn về việc triển khai một số nhiệm vụ để vận chuyển người từ khu vực đang trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 về các địa phương.

Cấp Thẻ nhận diện cho phương tiện
Công văn nêu rõ: Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, một số địa phương như Hà Tĩnh, Đà Nẵng đang lập phương án đưa người dân tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam (trong thời gian các địa phương này đang áp dụng Chỉ thị 16) có nhu cầu trở về quê nhà.
Để chủ động triển khai khi UBND các tỉnh, TP và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 địa phương có kế hoạch đưa người từ TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam về địa phương mình, Tổng cục Đường bộ đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Sở GTVT-Xây dựng Lào Cai chủ động xây dựng kế hoạch huy động phương tiện, lái xe đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh để sẵn sàng thực hiện vận chuyển khi được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của địa phương yêu cầu.
 Chiều 17/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố ''luồng xanh'' quốc gia trên hệ thống quốc lộ ưu tiên cho các phương tiện quá cảnh. 
Các địa phương báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của địa phương khi xây dựng phương án vận chuyển phải có sự tham gia của cơ quan gồm: Y tế, bộ đội, công an, giao thông vận tải và cơ quan khác có liên quan tại địa phương để đảm bảo an toàn và phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế. Phương án vận chuyển cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hai địa phương thống nhất, quyết định.
Đồng thời, các địa phương báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 địa phương để hướng dẫn đơn vị vận tải tham gia vận chuyển phải đảm bảo phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế; thực hiện cấp Thẻ nhận diện cho phương tiện theo hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ (trong đó ghi rõ “THẺ NHẬN DIỆN CHO PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN NGƯỜI VỀ TỪ VÙNG DỊCH”).
Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ lưu ý các địa phương yêu cầu các đơn vị vận tải hướng dẫn lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và hành khách thực hiện nghiêm ngặt thông điệp 5K trong suốt hành trình, có giấy xét nghiệm COVID-19 (âm tính) còn hiệu lực; chuẩn bị đầy đủ đồ ăn, nước uống và đồ dùng cá nhân, thuốc men để hạn chế dừng đỗ dọc đường; chỉ được dừng đỗ dọc đường để giải quyết nhu cầu vệ sinh cá nhân hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp; khử khuẩn phương tiện trước và ngay sau khi kết thúc hành trình. Đơn vị kinh doanh vận tải chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của phương tiện, lái xe thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và phải cam kết, chịu trách nhiệm trước pháp luật về bảo đảm phương tiện, lái xe hoạt động theo đúng hành trình và phương án vận chuyển.
Tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng mau hỏng
Cũng trong tối 17/7, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Sở GTVT các địa phương về việc tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng mau hỏng.
Trước đó, để tạo thuận lợi cho phương tiện vận chuyển hàng hoá trong thời gian TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16, Tổng cục Đường bộ đã ban hành Văn bản số 4658/TCĐBVN-VT ngày 8/7/2021, trong đó có nội dung tạo luồng xanh ưu tiên cho phương tiện vận chuyển đã có thẻ nhận diện phương tiện được đi qua các chốt kiểm soát trong thời gian sớm nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, đối với một số loại hàng hóa có thời hạn sử dụng ngắn, cần được ưu tiên vận chuyển nhanh đến người tiêu dùng bao gồm: Nông sản, thực phẩm tươi sống, hàng đông lạnh… Tổng cục Đường bộ đề nghị các Sở GTVT yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải in bổ sung thêm nhãn “Hàng mau hỏng” (theo mẫu kèm theo) trên giấy màu vàng, đóng dấu treo của đơn vị và dán trên kính xe kèm với thẻ nhận diện đã được cấp trong các chuyến vận chuyển loại hàng như trên, để các chốt kiểm soát nhận biết và tạo điều kiện cho phương tiện lưu thông một cách nhanh nhất.
Các địa phương báo cáo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 địa phương và thông báo cho các chốt để có biện pháp ưu tiên cho các phương tiện đã dán nhãn “Hàng mau hỏng” được lưu thông nhanh qua chốt. Các doanh nghiệp vận tải cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cam kết sử dụng nhãn “Hàng mau hỏng” đối với đúng loại hàng hóa mau hỏng, đúng các quy định về việc sử dụng thẻ nhận diện, di chuyến đúng luồng, tuyến, dừng, đỗ bốc xếp dỡ hàng hóa đã ghi trong giấy vận tải.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần