Lên sàn giúp ngành cao su Việt Nam minh bạch và nâng cao vị thế 

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 3 toàn cầu, nhưng Việt Nam lại chưa làm chủ được về giá... Do đó, để nâng cao vị thế, việc niêm yết sản phẩm qua sàn giao dịch là yêu cầu tất yếu để phát triển bền vững.

Đó là thông tin được lãnh đạo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) chỉ ra tại Hội nghị giới thiệu và lấy ý kiến Sàn Giao dịch Cao su với sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành.

Việc niêm yết các sản phẩm cao su lên sàn sẽ nâng cao vị thế cho ngành. Ảnh minh họa
Việc niêm yết các sản phẩm cao su lên sàn sẽ nâng cao vị thế cho ngành. Ảnh minh họa

Niêm yết để tăng cạnh tranh

Hiện Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ 3 toàn cầu. Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, nước ta xuất đi 84.467 tấn cao su, với kim ngạch đạt 134,65 triệu USD, tăng 14,8% về lượng và tăng 14,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng năm, xuất khẩu cao su của Việt Nam thu về gần 860 triệu USD, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm 2023.  

Đồng thời, Việt Nam cũng đang là quốc gia dẫn đầu về năng suất cao su trong khu vực châu Á. Sản lượng cao su của Việt Nam tăng trưởng khoảng 10 - 15% mỗi năm kể từ năm 2000. Việt Nam chủ yếu sản xuất cao su tự nhiên với khoảng 80% tổng sản lượng. Đến năm 2022, diện tích trồng cao su hiện tại đạt khoảng 912.000ha.

Dù vị thế và quy mô thị trường lớn như vậy, song các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn chưa thực sự làm chủ được giá cao su thế giới. Nguyên nhân thị trường cao su của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, do chưa chủ động trong việc niêm yết giá cao su trên thị trường tập trung.

Điều đó dẫn đến, sản phẩm cao su không đồng bộ về chất lượng, quy cách, tiêu chuẩn. Phương thức kinh doanh truyền thống, đơn giản; thương lái chi phối thị trường, giá cả khiến người nông dân thường hay bị yếu thế. Ngoài ra, các thông tin thị trường thiếu minh bạch nên công tác định hướng, phát triển ngành công nghiệp cao su Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Từ thực trạng của ngành, Tổng Giám đốc VRG Lê Thanh Hưng cho biết, việc niêm yết giao dịch các sản phẩm cao su của Việt Nam trên Sàn Giao dịch sẽ giải quyết các hạn chế của phương thức kinh doanh cao su truyền thống. Khi lên sàn sẽ có một thị trường giao dịch tập trung, công khai và minh bạch.

“Các bên sẽ áp dụng mô hình tổ chức thị trường đang hoạt động hiệu quả trên thế giới và sử dụng hạ tầng công nghệ giao dịch tiên tiến nhất, giúp bảo vệ quyền lợi của bên mua và bên bán, đồng thời chất lượng sản phẩm được nâng cao. Đây là bước tiến rất quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp cao su, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh sản phẩm đặc thù của Việt Nam trên thị trường quốc tế” - ông Lê Thanh Hưng khẳng định.

Đồng thời cho biết, để triển khai hiệu quả việc niêm yết giao dịch sản phẩm đặc thù như cao su, MXV đã hợp tác chặt chẽ với VRG. Các sản phẩm cao su sẽ được niêm yết giao dịch dựa trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại của MXV, trong khi VRG đảm nhận vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kiểm định, chuẩn hóa chất lượng sản phẩm.

Xu hướng tất yếu

Theo Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang, với kinh nghiệm đang tổ chức một thị trường có hơn 30.000 tài khoản giao dịch, hoạt động liên tục 24/24 giờ từ thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần, cùng với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, MXV tin tưởng có thể hợp tác cùng VRG tổ chức niêm yết giao dịch sản phẩm cao su Việt Nam hiệu quả.

Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang.
Phó Tổng Giám đốc MXV Dương Đức Quang.

Bởi vị đại diện MXV thông tin các nội dung tổng quan về giao dịch cao su trên Sàn, hệ thống giao dịch cùng các quy trình vận hành đang được tối ưu với nhiều tính năng nổi bật của công nghệ. Theo đó, Sàn Giao dịch hoạt động theo phương thức giao dịch chào giá và giao dịch thỏa thuận, dưới hình thức Hợp đồng giao ngay và Hợp đồng kỳ hạn. Các sản phẩm cao su sẽ được mã hóa theo chủng loại và doanh nghiệp sản xuất. Điều đó sẽ giúp cho ngành cao su nâng cao vị thế...

“Điểm khác biệt khi niêm yết giao dịch cao su so với các phương thức kinh doanh truyền thống nằm ở mô hình tổ chức, cách vận hành và áp dụng hạ tầng công nghệ tiên tiến trong giao dịch. Đây là những kinh nghiệm đã được MXV đúc rút từ các thị trường cao su lớn nhất trên thế giới” - ông Dương Đức Quang nhấn mạnh.

Đồng thời cho hay, bản thân chính các doanh nghiệp cũng nhận thấy tầm quan trọng và mong muốn sẽ sớm triển khai niêm yết giao dịch mặt hàng này.

Vì vậy, trong quý III/2024, MXV và VRG sẽ phối hợp hoàn thiện các quy trình, quy định phục vụ việc giao dịch sản phẩm Cao su Việt Nam, cũng như triển khai vận hành thử nghiệm việc niêm yết, giao dịch sản phẩm. Dự kiến quý IV/2024, sản phẩm cao su sẽ chính thức được niêm yết và giao dịch.