Trên sàn New York Mercantile Exchanghe, đầu giờ sáng 4/1 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 2/2022 đứng ở mức 75,96 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên. Còn giá dầu Brent giao tháng 3/2022 đứng ở mức 78,92 USD/thùng, giảm 0,06 USD/thùng trong phiên.
Các chuyên gia nhìn nhận, thị trường dầu thô ghi nhận nhiều dữ liệu cho thấy, triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu thô kém hơn dự báo khiến giá dầu ngày 4/1 có xu hướng giảm nhẹ.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, vừa ghi nhận dữ liệu về số doanh nghiệp vừa và nhỏ thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp giải thể. Theo giới chuyên gia, xu hướng này có thể khiến tăng trưởng kinh tế của nước này không như kỳ vọng trong năm 2022.
Sau thời gian tăng “nóng”, liên tiếp lập kỷ lục, giá khí đốt đã quay đầu giảm mạnh trong những phiên giao dịch gần đây. Theo ghi nhận, giá gas ngày 3/1 đã giảm hơn 1% xuống 3,73 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 2/2022. Giá khí đốt giảm khi nhu cầu khí đốt trên thị trường đã hạ nhiệt do thời tiết đã trở lên ấm hơn.
Trong khi nhu cầu dầu có dấu hiệu suy yếu thì về phía cung, OPEC+ vẫn cho thấy sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày như kế hoạch. Giá dầu hôm nay có xu hướng giảm mạnh bởi đồng USD mạnh hơn. Ngược lại, giá dầu ngày 4/1 cũng được hỗ trợ bởi các dự báo lạc quan về thị trường dầu thô trong năm 2022.
Báo cáo từ Uỷ ban Kỹ thuật chung (JTC) của OPEC+, tác động của biến thể Omicron là không lớn và không kéo dài khi các nước đã có sự chuẩn bị tốt hơn để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Báo cáo cũng giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 là 4,2 triệu thùng/ngày, và con số của năm 2021 là 5,7 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 lạc quan cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu hôm nay không rơi vào trạng thái lao dốc.