Mấy ngày qua, dư luận lại dậy sóng khi xuất hiện thêm clip về một trường hợp nữ hành khách leo lên băng chuyền hành lý tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) để quay TikTok. Theo đó, trong đoạn clip 24 giây đăng trên TikTok, cô gái mặc quần dài trắng, áo vàng thản nhiên leo lên băng chuyền hành lý trong sân bay để người đàn ông đi cùng đứng dưới quay clip.
Phía sân bay Liên Khương sau đó đã xác nhận, sự việc trên xảy ra vào tối 11/8. Do nữ hành khách thực hiện hành vi leo lên băng chuyền hành lý chỉ trong thời gian ngắn nên lực lượng an ninh sân bay không kịp phát hiện và ngăn chặn.
Được biết, sau khi trích xuất camera và có dữ liệu, sân bay Liên Khương đã chuyển thông tin của hành khách đến Cảng vụ Hàng không miền Nam để xử lý theo quy định.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện trường hợp hành khách leo lên băng chuyền hành lý tại sân bay để chụp hình, quay clip và phát tán trên mạng xã hội.
Trước đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và sân bay Phú Quốc (Kiên Giang) cũng đã xuất hiện các trường hợp tương tự và gây ra làn sóng phản đối, chỉ trích dữ dội trong cộng đồng mạng.
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, một cán bộ của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có nhiều năm công tác tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, trường hợp người ngồi hoặc đứng trên băng chuyền hành lý đang vận hành không uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không nhưng gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dịch vụ hàng không tại sân bay.
“Thêm vào đó, những hành khách chạy theo trend, leo lên băng chuyền lúc đang vận hành chỉ để chụp ảnh, quay clip sống ảo mà không nhận ra sự nguy hiểm của hành động đó như trượt ngã, cuốn váy áo, giày dép vào băng chuyền” – vị này cho biết.
Được biết, băng chuyền tại sân bay thiết kế chịu tải trọng mỗi hành lý không quá 30kg. Do đó, trường hợp hành khách leo lên băng chuyền khi đang hoạt động, không chỉ gây hư hỏng băng chuyền mà có thể xảy ra các sự cố, tai nạn, trực tiếp ảnh hưởng đến an toàn, tính mạng của người đó.
Không riêng gì hành vi leo lên băng chuyền hành lý quay phim, chụp ảnh, nhiều trường hợp bất chấp an ninh, an toàn hàng không để “sống ảo” cũng đã diễn ra trong thời gian qua. Lực lượng chức năng ngay sau đó cũng đã vào cuộc xác minh, xử lý.
Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam vừa ra quyết định cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách L. M. X. Y. (SN 1996, trú tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) trong 6 tháng, tính từ ngày 17/8/2022 đến hết ngày 16/2/2023.
Trước đó, ngày 18/5, nữ hành khách này đi trên chuyến bay số hiệu VN1740 chặng Phú Quốc - Cần Thơ, khi xe buýt chở khách lên máy bay vừa dừng ở thang máy bay thì người này đã chạy ra phía máy bay đối diện để quay clip đưa lên TikTok. Đáng chú ý, thời điểm này, máy bay đối diện vẫn bật động cơ và đang lăn vào sân đỗ.
Về trường hợp này, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, cán bộ của ACV cho rằng, việc quay TikTok ở khu vực sân đỗ máy bay là hành vi uy hiếp trực tiếp an toàn hàng không, ảnh hưởng đến người và phương tiện liên quan. Do đó, hình phạt cấm bay trong vòng 6 tháng là hoàn toàn thỏa đáng, mang tính răn đe.
“Mong rằng các trường hợp leo lên băng chuyền hành lý quay phim, chụp ảnh cũng phải chịu hình thức xử phạt cấm bay để ngăn chặn các trường hợp tương tự có thể tái diễn. Bởi một người quay được thì những người sau này sẽ bắt chước theo” – vị này cho hay.
Ý kiến này không phải là không có cơ sở, bởi thực tế thời gian qua xuất hiện liên tiếp các trường hợp hành khách leo lên băng chuyền hành lý quay phim, chụp ảnh tại nhiều sân bay. Phía cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng kiểm tra, xử lý, thậm chí, Cục Hàng không Việt Nam cũng cân nhắc tới việc cấm bay, nhưng chưa có hình thức xử phạt nào được đưa ra.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh xử phạt mạnh tay, ngành hàng không cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa an toàn hàng không tới hành khách khi mà vi phạm liên tiếp xảy ra, thậm chí, có cả trường hợp hành khách hút thuốc lá trên máy bay, mang dao gọt hoa quả lên máy bay…
Như tại văn bản mới đây gửi các cảng hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cũng yêu cầu các cảng hàng không phải có biện pháp thông tin phù hợp cho hành khách tại cảng để hành khách hiểu rõ các quy định về an toàn, an ninh hàng không, tạo nên văn hóa an toàn hàng không.