Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Leo thang căng thẳng thương mại mỹ - Trung Quốc: Doanh nghiệp, nhà đầu tư cần làm gì?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Mỹ, Trung Quốc kết thúc 2 ngày đàm phán không đạt được thỏa thuận, cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung Quốc căng thẳng hơn khi Tổng thống Donald Trump đã chỉ thị bắt đầu quá trình áp thuế lên "toàn bộ hàng hóa nhập khẩu còn lại của Trung Quốc" ước tính 300 tỷ USD.

Việc theo dõi chặt chẽ những ảnh hưởng diễn biến thị trường thế giới là cần thiết để Việt Nam có những giải pháp ứng phó kịp thời, tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.
Tác động đến thương mại, đầu tư
Tuyên bố mạnh mẽ của Mỹ chỉ diễn ra chỉ một ngày sau khi nước này tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc. Diễn biến này đã đẩy cuộc chiến thương mại giữa 2 cường quốc kinh tế lên một ngưỡng mới và có nguy cơ gây ra những xáo trộn trên thị trường kinh tế - tài chính toàn cầu. Theo các chuyên gia, động thái này sẽ ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư nước ngoài cũng như tỷ giá, thị trường chứng khoán Việt Nam về cả mặt tích cực, lẫn tiêu cực.
 Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đa chiều đến thị trường chứng khoán Việt. Ảnh: Chiến Công
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về thương mại, tác động tích cực là cơ hội mở rộng thị trường ở Mỹ nếu hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị hạn chế. Khối DN FDI có thể hưởng lợi nhiều hơn, đặc biệt nhóm ngành sử dụng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ. Ngược lại, Việt Nam có thể chịu tác động tiêu cực do tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu giảm kéo theo cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm.
Ở một góc độ khác, khi hàng Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế cao hơn, Trung Quốc có thể có những chính sách phá giá, đẩy hàng hóa sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra sức ép cho DN nội địa.
Hai thị trường nhạy cảm với những biến động của tình hình kinh tế thế giới là thị trường tài chính và tiền tệ Việt Nam ngay lập tức phản ứng với các diễn biến quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Tuần qua, tỷ giá và chứng khoán đã có những phiên biến động lớn. Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS) Đỗ Bảo Ngọc cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ tác động tới Việt Nam ở trên cả hai góc độ tích cực và tiêu cực.
Theo ông Ngọc, tỷ giá VND chịu ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh thương mại. “Việt Nam là nước có thương mại lớn với Trung Quốc, nên khi đồng Nhân dân tệ (CNY) biến động thì gần như ngay lập tức tác động tới VND. Trong trường hợp VND không có sự biến động tương ứng thì tác động tiêu cực lên thâm hụt thương mại sẽ tiếp tục gia tăng”- ông Ngọc cho hay. Tuy nhiên, đại diện VNCS cũng cho rằng, trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam có nhiều yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá trong nước với nguồn FDI tăng mạnh, kiều hồi tăng trưởng ổn định, lạm phát trong nước được kiềm chế ở mức thấp
. “Đó là lý do vì sao VND vẫn là đồng tiền có sự ổn định trong bối cảnh các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực mất giá lớn so với USD. Theo tôi, tới thời điểm này vẫn có thể khẳng định vấn đề tỷ giá vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tốt theo mục tiêu đã đề ra”- ông Ngọc nói.
Quan sát và ứng phó linh hoạt
Trước những diễn biến khó lường của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành chia sẻ tại Đại hội cổ đông năm 2019 mới đây: “Trước thực tế chúng ta đang sống trong thế giới có quá nhiều thay đổi và bất định, hoạt động điều hành kinh doanh của Hãng diễn ra là hàng ngày và hàng tuần. Kế hoạch dài hạn về đầu tư cần nguồn lực dài hạn, nhưng phản ứng trong kinh doanh là phải cập nhật liên tục theo các diễn biến hàng ngày”.
Linh hoạt và có các kế hoạch chủ động trong ngắn hạn cũng như dài hạn là cách mà các DN ứng phó với những biến động. Còn với các nhà đầu tư, lời khuyên của các chuyên gia phân tích là chờ đợi cơ hội, quan sát những diễn biến tiếp theo để đưa ra những quyết định giải ngân phù hợp.
Sau nhiều phiên giảm điểm, nhà đầu tư ngoại tăng bán ra do những ảnh hưởng của tình hình Mỹ - Trung, thị trường chứng khoán phiên đầu tuần ngày 13/5 đã phục hồi một cách cầm chừng. Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 5,99 điểm (0,63%) lên 958,54 điểm nhưng HNX-Index lại giảm 0,23% xuống 105,61 điểm.
Công ty Chứng khoán VCBS khuyến nghị, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài và đang tạo nên bức tranh khá u ám cho thị trường chứng khoán thế giới nói chung. Dù chỉ số phục hồi nhẹ vào cuối tuần sau khi các thông tin kém tích cực đã phần nào được phản ánh vào diễn biến chỉ số, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư không nên vội vàng giải ngân trong giai đoạn này do xu hướng phục hồi vẫn chưa thực sự rõ ràng.

"Ngân hàng T.Ư Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ can thiệp để giữ đồng CNY như đã làm trong năm 2018. Sự mất giá của CNY ảnh hưởng đến VND phần nhiều là ở khía cạnh tâm lý, phía Việt Nam vẫn còn nhiều công cụ để ổn định tỷ giá. Đồng VND vì vậy nếu có biến động vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát." - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Đức Hùng Linh