Chia sẻ quan điểm của giới sử học chiều 8/12, GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Lịch sử sẽ là môn độc lập, bắt buộc.
Ủng hộ tích hợp nhưng phải tính toán kỹ
GS có thể cho biết kết quả cụ thể của buổi tọa đàm giữa Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam do Ban Tuyên giáo T.Ư chủ trì chiều 7/12?
- Tôi rất vui mừng khi Bộ GD&ĐT có tiếp thu và sửa đổi lại quan điểm của mình. Bộ GD&ĐT thừa nhận ở cấp THCS, môn Khoa học xã hội tích hợp giữa Sử và Địa là không đúng, mà có thể tách ra. Đặc biệt, ở cấp THPT không có môn Công dân với Tổ quốc. Như vậy, hai bên đã có thiện chí, kết quả thảo luận ngày càng xích lại gần nhau.
Vậy quan điểm của Hội về vị trí của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông là thế nào, thưa GS?
- Chúng ta cần thống nhất về mặt quan điểm một số vấn đề cơ bản. Thứ nhất, giới sử học hoàn toàn nhất trí Lịch sử phải là môn cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp hai đến cấp ba. Cấp một có thể tích hợp được. Môn Lịch sử phải được đối xử ngang bằng như Tiếng Việt và Văn học cũng như môn Toán học. Đây là kinh nghiệm nhiều nước thế giới. Sử học thâm nhập được vào mọi ngành, cho nên Lịch sử là môn nền tảng và cơ bản của toàn bộ Khoa học xã hội và Nhân văn. Đó là chưa nói tới nội dung đặc thù của lịch sử Việt Nam và tình hình hiện giờ của đất nước thì càng phải coi trọng môn Lịch sử. Lịch sử không chỉ nhắc nhớ đến quá khứ, mà từ đó học sinh có trách nhiệm đối với Tổ quốc hôm nay.
Thứ hai là quan điểm tích hợp. Một số người của Bộ GD&ĐT và các nhà khoa học gán ghép cho giới sử học chống lại quan điểm tích hợp, nên đòi tách Lịch sử ra thành môn độc lập. Nói như thế là vô căn cứ. Nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt những năm 80 chúng tôi đã bàn đến tích hợp. Ví dụ, nói đến Sử học là nhắc đến khảo cổ học, dân tộc học, con người, biến đổi cuộc sống của con người qua không gian, thời gian… Chúng tôi không phản đối mà luôn ủng hộ việc tích hợp, nhưng phải tính toán kỹ, phù hợp lứa tuổi của học sinh, sinh viên, đặc biệt phải có cơ sở khoa học. Tích hợp là liên kết với nhau thì phải trên nền tảng chung nào đó. Bộ GD&ĐT đề cao tích hợp môn Lịch sử với các môn học khác, ví dụ môn Khoa học xã hội ở cấp 2 hay môn Công dân với Tổ quốc ở cấp 3 là cực kỳ phi khoa học. Tức là lấy ít nội dung riêng biệt của Sử học rồi ghép với ngành khác, môn khác là sự cắt xén tùy tiện, gán ghép cơ học. Chúng tôi phản đối tích hợp như vậy, tuyệt đối ủng hộ xu hướng tích hợp trong giáo dục.
Sử - Địa chỉ tích hợp 10%
Hội có những kiến nghị gì về môn học này, thưa GS?
- Từ hai vấn đề trên, chúng tôi ủng hộ việc Bộ GD&ĐT tích hợp Lịch sử với các môn học khác ở bậc tiểu học. Nhưng, đóng góp kiến thức như thế nào trong tích hợp môn thì cần cân nhắc kỹ, tức là chọn lọc cái gì phù hợp với yêu cầu của tuổi trẻ để đưa vào. Có lẽ nên nặng về những câu chuyện huyền thoại, truyền thuyết, truyện kẻ dân gian, ví dụ như truyện Thánh Gióng, Vua Hùng Vương, Trần Quốc Toản, Hai Bà trưng đánh giặc… Chúng tôi kịch liệt phản đối Bộ GD&ĐT tích hợp môn Khoa học xã hội là Sử và Địa, 2 môn đó không thể gọi là Khoa học xã hội. Tại sao không gọi là Sử và Địa? Tôi thấy tên gọi đã không khoa học rồi. Tích hợp Sử - Địa cũng không được. Cho nên, lên đến cấp hai phải tách ra. Lịch sử phải là môn cơ bản và bắt buộc, ngang bằng với môn Tiếng Việt và Ngữ văn. Tôi nhấn mạnh, trong nền giáo dục phổ thông, môn học nào cũng quan trọng trong giáo dục lớp trẻ, nhưng không vì thế mà chúng ta coi ngang nhau, tích hợp tùy tiện.
Đến cấp 3, chúng tôi mừng vì các chuyên gia của Bộ thấy môn Công dân với Tổ quốc không hợp lý và cho rằng phải xóa bỏ. Ở bậc THPT, Lịch sử là môn độc lập hoàn toàn. Tôi không bàn đến việc Bộ phân luồng. Cho dù các em có chọn ngành gì, sau này trở thành công dân cũng phải được trang bị kiến thức Lịch sử đầy đủ.
Có 2 phương án xây dựng môn Lịch sử ở bậc THCS. Một trong số đó là khi Lịch sử và Địa lý là môn độc lập có viết thêm phần tích hợp giữa hai môn, đồng nghĩa có 3 cuốn sách?
- Đó là ý kiến của một số cán bộ Bộ GD&ĐT. Hội Sử học đề nghị phải bỏ môn Khoa học xã hội, trả vị trí cho môn Sử là độc lập và bắt buộc từ cấp 2. Tôi thấy Sử và Địa gần nhau, có thể tích hợp được nhưng tích hợp trên một số nội dung nào đó, ví dụ chủ quyền Biển Đông. Theo tôi, phần tích hợp Sử - Địa không nhiều, chỉ khoảng 10% nên không cần làm riêng 1 giáo trình tích hợp. Chỉ cần 2 giáo trình, một là môn Sử độc lập trong đó có một phần nội dung tích hợp và sách Địa lý độc lập hoàn toàn.
Bộ GD&ĐT phản hồi ý kiến này thế nào, thưa GS?
- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chấp nhận cái chung này, nhưng có một số điều Bộ sẽ phải nghiên cứu. Thứ trưởng băn khoăn, tách môn Lịch sử ra thì giáo trình viết như thế nào. Sẽ có 1 giáo trình Sử, 1 giáo trình Địa, 1 tích hợp là 3 cuốn; hay thành 2 gồm Sử tích hợp còn Địa tách ra?
Xin trân trọng cảm ơn GS!
Giờ học môn Lịch sử và Địa lý của học sinh trường Tiểu học Nghĩa Tân. Ảnh: Công Hùng
|