Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Liên Bộ bị chất vấn về doanh nghiệp công nghệ cao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả Bộ Khoa học và Công nghệ lẫn Bộ Công Thương đều được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về các chính sách ưu đãi, công nhận dành cho doanh nghiệp (DN) ứng dụng công nghệ cao.

Đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) đặt câu hỏi cho 5 Bộ trưởng, đáng chú ý cả Bộ KH&CN và Bộ Công Thương đều được đại biểu này "xoáy" quanh vấn đề có liên quan tới DN công nghệ cao cũng như hỗ trợ DN đổi mới công nghệ.

Theo đại biểu Vở, hiện tại, các chính sách khuyến khích DN đổi mới công nghệ đang chậm cụ thể hóa. Bên cạnh đó, chính từ sự phân cấp thẩm quyền chồng chéo giữa các Bộ, ngành khiến việc xác nhận DN công nghệ cao bị ách tắc, khiến DN không thể tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi mà đáng nhẽ họ phải được hưởng. Vậy trách nhiệm của Bộ KH&CN và Bộ Công Thương là thế nào? Đại biểu Vở nêu ra vấn đề.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định, từ nhiều năm nay, Chính phủ đã xác định được vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm hỗ trợ DN đổi mới công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân
Mặc dù vậy, do hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, không có những quy định thật cụ thể về việc Nhà nước có thể hỗ trợ cho các DN, đặc biệt là DN ngoài nhà nước dẫn đến quá trình xây dựng chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và quỹ đổi mới công nghệ còn nhiều vướng mắc, Bộ trưởng Nguyễn Quân chia sẻ.

Tuy nhiên, với Luật khoa học công nghệ năm 2013, ngân sách Nhà nước đã có thể hỗ trợ cho các DN của mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó các DN kể cả DN tư nhân sẽ được hỗ trợ trong quá trình đổi mới công nghệ nhưng chỉ hỗ trợ cho khâu nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới chứ không hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh. Đây là cam kết của Việt Nam khi gia nhập các tổ chức thương mại thế giới, Bộ trưởng nói.

Hiện tại, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia năm nay đã được bố trí kinh phí và sẽ đi vào hoạt động. Đã có hơn 200 DN nộp hồ sơ và đang được Bộ xét duyệt để nhận được sự hỗ trợ từ quỹ này.

Cũng theo Bộ trưởng, phần kinh phí dành để hỗ trợ DN đang rất khó khăn, mặc dù ngân sách dành cho phát triển KHCN hàng năm là 2% nhưng do phải chi vào nhiều hạng mục khác nhau nên phần dành cho hỗ trợ DN. Ước tính số tiền này chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng. Vì vậy, Bộ cũng đã yêu cầu các viện, trường phải giành một phần năng lực hỗ trợ cho DN đổi mới công nghệ mỗi khi thực hiện đề tài nghiên cứu.

Về vấn đề xác nhận cũng như ưu đãi DN công nghệ cao, theo Bộ trưởng Nguyễn Quân các tiêu chí này đã được xây dựng đầy đủ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng hầu hết các DN của Việt Nam đều là DN nhỏ hoặc siêu nhỏ, rất ít DN đạt được đúng với tiêu chi được đề ra. Bộ cũng phân cấp xuống địa phương để tự xác định DN nào là DN công nghệ cao nhưng năng lực của địa phương lại không thể thực hiện được.

"Bộ KH&CN đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong khâu thẩm định, xác nhận DN công nghệ cao", Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng đinh.

Tới phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, trong thời gian qua, Bộ đã phối hợp tích cực với Bộ KH&CN triển khai các chương trình, đề án công nghệ cao. Có thể kể đến như Kế hoạch phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao đến năm 2020 và Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao.
 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
Về phía DN, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương cũng đã khuyến khích DN đưa nhiều đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ mới vào ứng dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một số ứng dụng đã đóng góp vào việc nghiên cứu và sản xuất kinh doanh. Có thể kể đến lĩnh vực dầu khí, hiện nay Việt Nam có thể đóng các giàn khoan ở vùng nước sâu 90m và đang tiến hành việc đóng giàn khoan ở vùng nước sâu hơn 120m.

Mặc dù vậy Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, việc áp dụng KHCN trong các sản phẩm công nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành có liên quan hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới công nghệ cũng như hướng dẫn DN ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trong quá trình hội nhập quốc tế, Bộ Công Thương sẽ tận dụng những cơ hội thông qua các hiệp định thương mại tự do, nhất là việc đưa các công nghệ tiên tiến từ các dự án đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Riêng đối với tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện nay việc xây dựng bộ tiêu chí còn chậm và có thể chưa phù hợp. Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Công Thương và Bộ KH&CN sẽ rà soát lại và trình Chính phủ xem xét, phê duyệt tiêu chí đối với doanh nghiệp công nghệ cao. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp không phải vất vả, mất nhiều thời gian cũng như phiền hà trong quá trình đợi xem xét, công nhận DN công nghệ cao để hưởng những ưu đãi.