Theo đó, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cho rằng, ở các trận đấu vừa qua, VFF đã triển khai 3 hình thức bán vé là online, qua công văn và trực tiếp tại một số địa điểm. Thực tế cho thấy, 2 hình thức bán qua công văn và trực tiếp đã xảy ra nhiều bất cập.
“Công văn quá nhiều nên người mua vẫn phải xếp hàng. Bán trực tiếp thì xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy, phe vé còn đông hơn người hâm mộ. Vì vậy, chúng tôi đã tính tới khả năng đổi phương thức bán. Nếu Việt Nam vào bán kết, toàn bộ vé phân phối cho người hâm mộ sẽ được bán online" - ông Lê Hoài Anh cho biết.
Ngoài ra, VFF đã làm việc với các đối tác để đảm bảo hệ thống bán online vận hành tốt khi có đông người truy cập, tránh tình trạng sập hệ thống. Được biết, vé sẽ được gửi đến tận nhà với một phần chi phí vận chuyển do người đặt mua thanh toán. Nếu thành công, VFF sẽ áp dụng mô hình này cho các giải đấu khác.
Trước việc xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy tại sân Mỹ Đình trong ngày phát hành vé vừa qua, cũng như số lượng công văn đăng ký cũng quá lớn. Các đơn vị không nhận được đủ số vé đăng ký đã phản ứng, bày tỏ sự không hài lòng. Tổng thư kí VFF cho biết, việc có thông tin VFF tuồn vé ra chợ đen hay có tới 16.000 vé mời là hoàn toàn không chính xác, bởi tổng số vé mời là hơn 4.000 chiếc. Trong đó, gần 2.000 vé cung cấp cho Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á.
"Đây là giải đấu của AFF, Việt Nam chỉ đăng cai tổ chức một số trận. VFF đã phải ký thỏa thuận với AFF về số vé mời bàn giao cho họ. Ngoài ra, chúng tôi còn phải dành số lượng lớn cho các nhà tài trợ của giải đấu, cho đội tuyển Malaysia... đây là thỏa thuận bắt buộc", ông Hoài Anh nhấn mạnh.
Được biết, tổng số vé được bán cho người hâm mộ là 24.000 chiếc, trừ thêm số giấy mời, VFF còn khoảng hơn 10.000 vé.