Liên hoan Du lịch làng nghề 2016: Thành công và tiếc nuối

Hồ Hạ
Chia sẻ Zalo

Với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam 2016 (Liên hoan) đã thu hút khoảng 3 vạn lượt khách tham quan trong 4 ngày từ 29/9 – 2/10.

Theo nhận định của giới chuyên môn, thành công lớn nhất của Liên hoan năm nay là đã mang được “cái hồn” của các làng nghề truyền thống vào Hoàng thành Thăng Long, thay vì hoạt động mang tính chất thương mại như những kỳ trước. Tuy nhiên, còn những nuối tiếc, bởi Liên hoan diễn ra quá ngắn, nhiều người dân và du khách chưa kịp tới đây trải nghiệm, khám phá.
Tràn đầy cảm xúc
Ban Tổ chức cho hay, Liên hoan năm nay đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng tích cực với 260 không gian, gian hàng của 150 đơn vị, cá nhân tham gia; đại diện của 30/47 nghề truyền thống tiêu biểu của Thủ đô và 33/52 nghề truyền thống của các địa phương trong cả nước. Trong 4 ngày qua, Liên hoan đã thu hút khoảng 3 vạn lượt khách tham quan, điều đó thể hiện sự ủng hộ của đông đảo công chúng, du khách trong và ngoài nước.
 Lễ rước Tổ nghề truyền thống mang đến nhiều cảm xúc cho người dân và du khách. Ảnh: Hồng Hạnh.
Theo đánh giá của giới lữ hành, Liên hoan năm nay đã có sự chắt lọc, hội tụ được những tinh hoa làng nghề của Hà Nội và cả nước, đồng thời phát huy được những điểm mạnh của các làng nghề trong việc phát triển sản phẩm du lịch. Có thể nói, Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam đang từng bước trở thành sự kiện du lịch - văn hóa hấp dẫn, chuyên nghiệp, có quy mô lớn và sức lan tỏa trên cả nước.

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan năm nay đã được chú trọng về nội dung, chất lượng, tiêu biểu như các khu trưng bày, thao diễn, các gian hàng, khu trải nghiệm làng nghề, chương trình Lễ rước tổ nghề của ba làng nghề truyền thống tiêu biểu: làng nghề gỗ mỹ nghệ La Xuyên, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định; làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông và làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm; hội thảo "Làng nghề Việt Nam gắn với phát triển du lịch và hội nhập quốc tế"; hội thảo “Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch Việt Nam với Hiệp hội Du lịch các địa phương trong tình hình mới”.

 Du khách tham quan, mua sắm tại Liên hoan. Ảnh: Hồng Hạnh.

“Cái hồn” của các làng nghề truyền thống đã thực sự xuất hiện ở Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, Lễ rước Tổ nghề truyền thống đã thực sự khiến nhiều người dân và du khách phải xúc động. Trần Tuấn Anh, sinh viên trường đại học Thương mại chia sẻ: “Sau khi được tham gia vào đoàn rước Tổ nghề truyền thống, em nhận ra rằng, thờ Tổ nghề được coi là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho Nhân dân, di dưỡng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đất nước phát triển không ngừng, tạo lập vị thế với cộng đồng thế giới, chúng ta phải nhớ ơn Tổ tông nước ta đã đặt nền móng xây dựng”.

"Món ăn tinh thần" đặc sắc

Bên cạnh đó, các hoạt động giới thiệu, chào bán các chương trình du lịch kích cầu, các sản phẩm du lịch chuyên đề về phố nghề, làng nghề, các chương trình văn hóa nghệ thuật... được tổ chức một cách đồng bộ, chuyên nghiệp cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Liên hoan.

 Hoạt động thao diễn làm quạt Chàng Sơn, Thạch Thất tại liên hoan. Ảnh: Hồng Hạnh.

Liên hoan năm nay đã thực hiện tốt mục đích là góp phần bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu và phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch; là dịp để các làng nghề, các doanh nghiệp nghề truyền thống, các doanh nghiệp du lịch giao lưu, hợp tác, ký kết hợp tác; đồng thời là cơ hội để Thủ đô và các địa phương giới thiệu tinh hoa ẩm thực, nét tinh tế trong chế biến, trình diễn các món ăn truyền thống, đặc sắc của mọi miền Tổ quốc với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Các hoạt động thao diễn thực sự sống động, thu hút được đông đảo người xem. Các sắp đặt, triển lãm như: Lò gốm bầu 5 tổ, khu phơi lụa, khu ươm tơ, dệt lụa Vạn Phúc, khu thao diễn nón làng Chuông, mây tre đan Phú Vinh, sơn mài Hạ Thái,… luôn tấp nập du khách tham quan, chụp ảnh.

 Du khách nước ngoài thích thú khi được trải nghiệm uống nước vối, ăn kẹo lạc miễn phí tại gian hàng của TransViet.

Trong khi đó, ở khu ẩm thực, người bán không được ngừng tay, đặc biệt là gian hàng cốm làng Vòng và cốm Mễ Trì. Mặc dù, 4 ngày diễn ra, thời tiết khá oi, nóng, nhưng khu trò chơi dân gian vẫn luôn nhộn nhịp. Có thể khẳng định, Liên hoan năm nay thực sự là một sản phẩm du lịch độc đáo, một “món ăn tinh thần” đặc biệt, hấp dẫn đối với người dân và du khách.

Không xảy ra tình trạng vứt rác bừa bãi

Đánh giá cao quy mô tổ chức và nội dung các hoạt động tại Liên hoan, Phó Giám đốc Công ty Du lịch TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Liên hoan năm nay đã thực sự đổi khác với một diện mạo mới, mang đậm màu sắc văn hóa, du lịch, thay vì tính chất thương mại như những kỳ tổ chức trước. Chính vì thế, TransViet tham gia tới 3 gian hàng. Tại đây, chúng tôi không chỉ giới thiệu, quảng bá hình ảnh công ty, bán được tour, mà còn có rất nhiều khách hàng hứa hẹn sẽ sử dụng dịch vụ của TransViet”.

 Tại gian hàng của TransViet cũng dựng hai hình nộm bằng rơm cô Tấm – Cám và gánh rơm để khách thăm quan chụp ảnh.

Với quang cảnh đậm tính truyền thống của Liên hoan, TransViet cũng dày công mang đến đây những hình nộm rơm, trang phục rơm cho du khách chụp ảnh, đồng thời phục vụ nước vối, kẹo lạc, kẹo dồi miễn phí cho du khách. Ngoài ra, TransViet còn bổ sung hàng chục thùng rác được thiết kế bằng tre và lá cọ, cùng đội tuyên truyền viên nhắc nhở mọi người vứt rác đúng nơi quy định. Nhờ đó, không gian Liên hoan  năm nay khá sạch sẽ, không xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi.

Thiết nghĩ, mỗi gian đơn vị tham gia Liên hoan đều có những việc làm thiết thực, hướng tới xây dựng một xã hội du lịch văn minh như TransViet thì hiệu quả của hoạt động này sẽ được nâng lên đáng kể.

Công tác truyền thông chưa tốt

Mặc dù đánh giá rất cao công tác tổ chức, cũng như sự kỳ công khi tạo dựng không gian Liên hoan, tuy nhiên, ông Đạt vẫn đưa ra một “điểm trừ” cho Ban Tổ chức. Đó là, công tác tuyên truyền chưa tốt, chưa hiệu quả và chưa sâu rộng nên chưa tạo được tiếng vang như kỳ vọng. Theo ông Đạt, kế hoạch tổ chức Liên hoan cần được đưa ra sớm hơn, từ 6 tháng đến 1 năm trước ngày diễn ra. Có như vậy, các hãng lữ hành mới có thể quảng bá, giới thiệu và đưa vào tour tuyến. Việc chính thức ban hành kế hoạch quá sát ngày tổ chức gây khó khăn, hạn chế rất lớn cho công tác truyền thông. Ở Đài Loan, Hàn Quốc, các kỳ Liên hoan như thế này thường gửi tới các hãng lữ hành từ 6 tháng – 1 năm so với ngày tổ chức. 

 Mặc dù thời tiết ngày 1/10 khá nắng, nóng nhưng vẫn có rất đông người dân và du khách đến Liên hoan tham quan, trải nghiệm, mua sắm. Ảnh: Hồng Hạnh.

Và thật đáng tiếc, khi mà có rất nhiều du khách không biết đến sự kiện này để đến tham quan, thưởng lãm. Có những người vì biết kế hoạch quá muộn nên đã không thể sắp xếp thời gian để đến với Liên hoan. Một số khác thì cho hay, khi được bạn bè, người thân chia sẻ về Liên hoan, dù rất muốn đến tham quan, nhưng sự kiện đã đến hồi bế mạc.

Như tâm sự của bà Nguyễn Thị Hà, phường Hàng Bông, Hoàn Kiến, Hà Nội: “Tôi bán hàng ở chợ Đồng Xuân, nghe các chị em đã đến Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống ở Hoàng thành Thăng Long kể là ở đó trang trí rất đẹp, các mặt hàng rất đẹp, độc đáo… Tôi đã nghỉ bán hàng sớm hơn mọi ngày để tới đây. Nhưng vì biết thông tin muộn quá, 18 giờ ngày 2/10, khi tôi có mặt ở Hoàng thành Thăng Long, rất nhiều gian hàng đã và đang thu dọn. Tôi cảm thấy rất tiếc nuối, hy vọng rằng Liên hoan năm sau sẽ kéo dài hơn”.

 Hoạt động trò chơi dân gian thu hút du khách. Ảnh: Hồng Hạnh

Chia sẻ với báo Kinh tế&Đô thị, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho hay: “Đây là lần đầu tiên Sở Du lịch Hà Nội chủ trì tổ chức Liên hoan. Bên cạnh những kết quả đạt được, chắc chắn không thể tránh khỏi thiếu sót. Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến đóng ý để Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam lần sau được tổ chức hiệu quả, đạt kết quả tốt hơn. Đưa Liên hoan Du lịch Làng nghề truyền thống Hà Nội - Việt Nam trở thành một trong những sự kiện văn hóa - du lịch lớn của quốc gia và khu vực, khẳng định vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực”.