Tham dự liên hoan có hàng trăm thanh đồng, đào quan đến từ các địa phương trong cả nước.
Các thanh đồng tham gia biểu diễn từ 3 giá trở nên trong vòng một giờ. Các thanh đồng được tự chọn các giá để biểu diễn như: Giá Trần triều (đại diện cho hội đồng nhà Trần); giá Chúa (đại diện cho 36 chúa); giá Quan (đại diện cho Hội đồng quan lớn); giá Chầu (đại diện cho 12 giá chầu); giá Hoàng (đại diện cho 12 giá hoàng); giá Cô (đại diện cho 12 giá cô); giá Cậu (đại diện cho 12 giá cậu).
Ở mỗi giá có 4 thanh đồng thay mặt cho tứ trụ triều đình hầu hạ, dạ vâng cho thanh đồng hầu Mẫu đại diện cho đạo Mẫu.
Bằng cách sử dụng âm nhạc độc đáo, trong không gian diễn xướng đậm tính tâm linh, với các lời văn trau chuốt, nghiêm trang, các thanh đồng đã hóa thân thành các vị thánh biểu diễn những màn múa, hát đặc sắc thu hút đông đảo người xem.
Thanh đồng Bùi Văn Kiên ở Hưng Yên cho biết: "Liên hoan hát chầu văn được tổ chức giúp các thanh đồng thỏa mãn tâm nguyện, giúp người dân hiểu được đây không phải là hoạt động mê tín dị đoan mà là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng cần phải giữ gìn để không bị biến dạng."
Chầu văn hay còn gọi là hát văn, hát bóng có xuất xứ từ vùng Đồng bằng Bắc bộ vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam.
Một tiết mục trong nghi lễ chầu văn. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
|