Liên Hợp Quốc có 5 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an mới

Anh Kiệt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch, 5 nước mới đắc cử sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm của mình từ ngày 1/1/2024 và thay thế cho các nước ủy viên không thường trực sắp mãn nhiệm.

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 6/6 đã bầu Algeria, Guyana, Hàn Quốc, Sierra Leone và Slovenia làm 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA).

Đại diện của 192 nước thành viên tại Đại hội đồng đã bỏ phiếu bầu thay thế 3 ghế ủy viên không thường trực đại diện cho khu vực châu Phi và châu Á-Thái Bình Dương; 1 ghế đại diện cho khu vực Đông Âu và 1 ghế đại diện cho khu vực Mỹ Latin-Caribe.

Việc bỏ phiếu được tiến hành bằng bỏ phiếu kín và các quốc gia ứng cử cho vị trí này cần giành được 2/3 số phiếu ủng hộ của Đại hội đồng gồm 192 quốc gia thành viên. Theo thủ tục, Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu để bầu ra 10 Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Quốc gia trúng cử phải nhận được tối thiểu 128 phiếu ủng hộ.

Một đại biểu đang bỏ phiếu bầu thành viên mới của HĐBA. Ảnh: LHQ  
Một đại biểu đang bỏ phiếu bầu thành viên mới của HĐBA. Ảnh: LHQ  

Theo hãng tin Reuters, tại phiên bỏ phiếu, Guyana giành được 191 phiếu và Sierra Leone nhận 188 phiếu, trong khi số phiếu ủng hộ đối với Algeria và Hàn Quốc lần lượt là 184 và 180.

Trước thềm bỏ phiếu, chỉ duy nhất khu vực Đông Âu có 2 ứng cử viên Slovenia và Belarus tranh cử, trong khi các khu vực khác chỉ có duy nhất một ứng cử viên. Cuối cùng, Slovenia đã đánh bại Belarus trong cuộc đua ở khu vực Đông Âu, nhận được 153 phiếu so với 38, trong khi Algeria, Guyana, Sierra Leone và Hàn Quốc giành được sự ủng hộ áp đảo.

Theo kế hoạch, 5 nước mới đắc cử sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm của mình từ ngày 1/1/2024 và thay thế cho các nước ủy viên không thường trực sắp mãn nhiệm gồm Albani, Brazil, Gabon, Ghana và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE).

Năm nước ủy viên không thường trực còn lại là Ecuador, Nhật Bản, Malta, Mozambique và Thụy Sĩ.

HĐBA gồm 15 quốc gia, trong đó có 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết, gồm các nước Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Nga và Anh; và 10 nước ủy viên không thường trực do Đại hội đồng bầu luân phiên với nhiệm kỳ 2 năm, được phân bổ theo khu vực địa lý để đảm bảo tính đại diện. Các ủy viên luân phiên giữ chức Chủ tịch HĐBA.

Trụ sở Liên Hợp Quốc ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters
Trụ sở Liên Hợp Quốc ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ. Ảnh: Reuters

HĐBA là cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc và có quyền đưa ra những quyết định mang tính ràng buộc pháp lý, như áp đặt trừng phạt và cho phép sử dụng vũ lực để thực hiện sứ mệnh duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.

Đây cũng là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có quyền đề nghị Đại Hội đồng kết nạp nước mới vào HĐBA, phê chuẩn các điều sửa đổi, bổ sung Hiến chương LHQ và quyết định các biện pháp giữ gìn hòa bình, trừng phạt, quân sự. Các nước thành viên LHQ có nghĩa vụ thi hành các nghị quyết của HĐBA.