Ngày 1/11, Liên hợp quốc đã phát động “Chương trình vì sự bền vững của các đại dương và các khu vực ven biển” nhằm gióng lên hồi chuông cảnh báo hiện trạng của các đại dương, đồng thời đưa ra 10 đề nghị bảo vệ các đại dương trên toàn cầu. Chương trình nhấn mạnh các đại dương chiếm 70% bề mặt Trái Đất nhưng hiện nay mới chỉ có 1% diện tích các đại dương được bảo vệ. Có tới 60% hệ sinh thái biển quan trọng của thế giới đã bị suy thóai hoặc đang bị khai thác không bền vững, gây tổn thất lớn về kinh tế xã hội. Trong hơn năm thập kỷ qua, có khoảng 30-50% diện tích rừng đước, 20% các rặng san hô của thế giới đã bị mất đi, làm tăng nguy cơ dễ bị tổn thương của các khu vực dân cư ven biển. Các đại dương hấp thụ 26% lượng khí thải CO2 khiến quá trình axít hóa trong đại dương bị đẩy nhanh, đe dọa các loài sinh vật phù du và ảnh hưởng tới toàn bộ dây chuyền thực phẩm biển và các hoạt động kinh tế xã hội gắn với biển và đại dương. Trong khi đó, các hệ sinh thái ở các vùng đại dương sâu có giá trị lớn nhưng vẫn không được bảo vệ. Liên hợp quốc nhấn mạnh các hiện tượng và các mối đe dọa này tuy không mới nhưng đã trở nên ngày càng trầm trọng do các tác động từ biến đổi khí hậu, hoạt động khai thác của con người gây tổn thương cho các đại dương. Xuất phát từ thực tế này, các cơ quan Liên hợp quốc như Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) và Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) đã đề xuất 10 đề nghị bảo vệ các đại dương. Các đề xuất này bao gồm xây dựng thị trường cácbon xanh toàn cầu như là phương tiện tạo ra các thành quả kinh tế trực tiếp thông qua bảo vệ môi trường sống; lấp đầy khoảng cách về quản lý các đại dương thông qua tăng cường thực thi Công ước Liên hợp quốc về luật biển; hỗ trợ phát triển các nền kinh tế xanh ở các quốc đảo nhỏ đang phát triển; thúc đẩy nghiên cứu về quá trình axít hóa đại dương cùng cách thức thích nghi và làm giảm quá trình này; tăng cường năng lực thể chế giám sát khoa học các đại dương và khu vực ven biển; cải tổ và tăng cường các tổ chức khu vực quản lý đại dương. Ngoài ra, các đề xuất cũng thúc đẩy ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm; tăng cường khuôn khổ pháp lý để xử lý các loài thủy sản xâm lấn; xanh hóa nền kinh tế dinh dưỡng để giảm sự mất ôxy ở các đại dương và thúc đẩy an ninh lương thực; tăng cường phối hợp, liên kết và hiệu lực của hệ thống Liên hợp quốc về các vấn đề đại dương. Liên hợp quốc nhấn mạnh thực hiện các mục tiêu và đề nghị này đòi hỏi những nỗ lực lớn của cộng đồng quốc tế. Thành công của việc bảo vệ các đại dương phụ thuộc vào các quá trình thực hiện các chính sách và các thỏa thuận thể chế hiệu quả.