Người biểu tình cầm ảnh nhà báo Jamal Khashoggi tập trung bên ngoài lãnh sự quán Saudi ở Istanbul suốt một tuần qua. Ảnh: Reuters |
Hôm 9/10, văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bày tỏ sự lo ngại nghiêm trọng về tin đồn nhà báo người Ả-rập Xê-út Jamal Khashoggi được cho là đã bị sát hại sau khi ông này biến mất tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul cách đây một tuần.
"Nếu báo cáo về cái chết của ông Khashoggi và hoàn cảnh bất thường dẫn đến sự việc là đúng, điều này thực sự chấn động", phát ngôn viên của Tổ chức nhân quyền LHQ (UNICEF) Ravina Shamdasani phát biểu trong một cuộc họp báo, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập nhanh chóng điều tra.
Trước đó, hôm 8/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố rằng Ả-rập Xê-út sẽ phải đưa ra bằng chứng chứng minh rằng nhà báo Jamal Khashoggi đã rời khỏi lãnh sự quán sau khi đây là nơi ông Khashoggi được nhìn thấy xuất hiện lần cuối hôm 2/10.
Phía Ả-rập Xê-út đến nay vẫn một mực phủ nhận có liên quan đến sự biến mất của nhà báo Jamal Khashoggi, đồng thời khẳng định ông này đã rời khỏi lãnh sự quán.
Tuy nhiên theo một quan chức Mỹ giấu tên nói với tờ The Post hôm 8/10, các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Khashoggi không chỉ bị giết trong lãnh sự quán Saudi mà sau đó còn bị phân xác vào các hộp để chuyển ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ bằng máy bay.
Camera an ninh trước cổng lãnh sự quán Saudi được cho là đã ghi lại cảnh ông Khashoggi bước vào đây nhưng lại không cho thấy ông này đã rời đi lúc nào. Ảnh: Reuters |
Một trang web tin tức Trung Đông tại Anh cũng trích dẫn một nguồn tin cảnh sát cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, ông Khashoggi bị "tra tấn dã man, bị giết và phân thành nhiều mảnh", đồng thời khẳng định toàn bộ diễn biến đều đã được ghi hình và có thể trở thành bằng chứng.
Nhà báo Jamal Khashoggi từng là một nhân vật truyền thông hàng đầu tại Ả-rập Xê-út trước khi chạy trốn ra nước ngoài hồi năm ngoái do phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ chính quyền Saudi về những lời chỉ trích của ông này đối với cuộc chiến mà quân đội Ả-rập lãnh đạo tại Yemen.
Ông Khashoggi đã đính hôn với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ và được cho là đã tới lãnh sự quán Saudi ở Istanbul để hoàn tất việc ly hôn với vợ trước của ông tại quê nhà.
Hoàng tử Ả-rập Mohammed bin Salman đã phủ nhận cáo buộc về sự tham gia của chính quyền nước này về những gì có thể đã xảy ra với nhà báo Khashoggi, đồng thời cho phép Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra lãnh sự quán ở Istanbul.